Mang thai 22 tuần phải nhập viện do tự ý dùng thuốc trị thuỷ đậu
Bệnh nhân xuất hiện đau họng, chảy mũi, nổi nốt phỏng toàn thân, kèm đau khớp gối 2 bên âm ỉ, tự dùng thuốc không rõ, sau xuất hiện mẩn đỏ da toàn thân, ngứa nhiều.
BV đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa tiếp nhận thai phụ mang thai 22 tuần mắc bệnh thủy đậu biến chứng bội nhiễm.
Nữ bệnh nhân cho biết khoảng 4 ngày trước đó, bệnh nhân xuất hiện đau họng, chảy mũi, nổi nốt phỏng toàn thân, kèm đau khớp gối 2 bên âm ỉ tự dùng thuốc không rõ, sau xuất hiện mẩn đỏ da toàn thân, ngứa nhiều, lan nhanh nên đã đến bệnh viện điều trị.
Nữ bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện.
Khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ nhanh chóng kiểm tra toàn diện cho bệnh nhân và thai nhi, tình trạng thai nhi ổn định, thai phụ phải nhập viện điều trị với chẩn đoán thuỷ đậu bội nhiễm.
Sau hai ngày điều trị tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các mụn nước khô dần.
Các bác sĩ khuyến cáo đến chị em phụ nữ có kế hoạch mang thai phải hoàn thành chủng ngừa đầy đủ khi còn nhỏ hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Bệnh thủy đậu ảnh hưởng trên thai kỳ như thế nào?
- Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
- Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 – 20%, trong số người viêm phổi do virus này nguy cơ tử vong lên đến 40%.
- Tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này.
Đối với những thai phụ bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai:
- Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
- Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
- Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền sang con.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng.