Mùa lạnh, cơ thể có những dấu hiệu này cần khám tim mạch càng sớm càng tốt

Sự kiện: Bệnh tim mạch

Với bệnh tim mạch, việc phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa để duy trì sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh tim mạch gây ra.

Vào mùa đông, thời tiết miền Bắc thường xuống thấp, điều này không chỉ gây cảm giác lạnh giá thường trực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người dân mà còn tiềm ẩn những mối nguy cho tim mạch.

Nhiều khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là các cơn đau tim tăng lên đáng kể vào mùa Đông. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy nguy cơ bị đau tim tăng khoảng 2% sau mỗi lần giảm 1,8 độ F. Một nghiên cứu khác tiết lộ rằng những ngày có nhiệt độ dưới mức đóng băng làm tăng tỷ lệ đau tim cao nhất.

Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp có xu hướng kích hoạt hệ thần kinh giao cảm tăng tiết nội tiết tố catecholamine, dẫn đến các mạch máu ngoại vi co lại, tạo ra nhiều áp lực lên tim, tim phải làm việc nhiều để bơm máu đi khắp cơ thể.

Nhịp tim nhanh và huyết áp tăng lên tuy là một phản ứng bình thường khi cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh, nhưng nếu không được kiểm soát có thể gia tăng cơn đau tim ở những người đang có bệnh tim mạch. Đồng thời, khi các mạch máu tim co lại, lưu lượng máu đến tim giảm dẫn đến cung cấp oxy giảm, làm tăng nguy cơ đau tim.

Mùa lạnh, cơ thể có những dấu hiệu này cần khám tim mạch càng sớm càng tốt - 1

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, cần khám càng sớm càng tốt

Mệt mỏi quá mức

Mệt mỏi có thể có nhiều nguyên nhân. Đôi khi nó chỉ đơn giản là bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn do suy nhược cơ thể. Nhưng cảm giác kiệt sức có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể liên quan đến tim mạch.

Đau thắt ngực

Mặc dù đau thắt ngực có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim. Đau thắt ngực là một loại đau ngực do lưu lượng máu đến tim giảm và là một triệu chứng của bệnh động mạch vành.

Đau thắt ngực thường được mô tả là cảm giác bị ép, áp lực, nặng nề, căng cứng hoặc đau ở ngực. Có thể có cảm giác như có một khối nặng đè lên ngực.

Tim đập nhanh

Tim đập nhanh có cảm giác như tim bạn đập mạnh hoặc lỡ nhịp. Khi tim đập nhanh, bạn có thể cảm thấy tim mình đang đập ở ngực, cổ hoặc cổ họng.

Triệu chứng này có thể xuất hiện khi bạn hồi hộp, lo lắng, vận động với cường độ mạnh... nhưng đây cũng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim.

Khó thở

Tim và phổi là 2 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khó thở. Tim và phổi của bạn phối hợp với nhau để đưa oxy đến máu và các mô và loại bỏ carbon dioxide. Nếu một trong hai cơ quan này hoạt động không bình thường thì sẽ dẫn tới tình trạng có quá ít oxy hoặc quá nhiều carbon dioxide trong máu. Khi điều này xảy ra, cơ thể bạn sẽ phải thở mạnh hơn để lấy thêm oxy vào hoặc đẩy carbon dioxide ra ngoài.

Các tình trạng về tim có thể gây khó thở như suy tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim hoặc viêm cơ tim...

Chóng mặt

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khoẻ, đôi khi chỉ là do cơ thể suy nhược, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, chẳng hạn như rung tâm nhĩ - gây ra nhịp tim không đều, đau tim, ngất do thần kinh tim hoặc tụt huyết áp đột ngột...

Hiện tượng phù nề

Sau khi ngủ dậy nếu bạn cảm thấy mặt bị căng phù, mí mắt trĩu nặng, hoặc có thể chân bị phù ở một vài thời điểm nhất định trong ngày, đột nhiên đi giày dép chật… thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, vì có thể đây là những triệu chứng của bệnh suy tim.

Mùa lạnh, cơ thể có những dấu hiệu này cần khám tim mạch càng sớm càng tốt - 2

Những thực phẩm tốt cho tim mạch

Sôcôla

Vai trò bảo vệ tim mạch của ca cao (một thành phần chiếm tỉ lệ cao trong socola) đang được các nhà khoa học chú ý: Ăn nhiều socola giúp giảm 37% nguy cơ bệnh mạch vành, giảm 29% nguy cơ đột quỵ. Điều này được giải thích là do trong cacao có hàm lượng flavonoid cao, đây là một chất chống oxy hóa có tác dụng hạ huyết áp, giảm lượng mỡ xấu và tăng mỡ tốt cho cơ thể.

Trà

Uống trà như một loại thức uống mỗi ngày có tác dụng bảo vệ cơ thể trước các bệnh lý tim mạch, do thành phần của trà có chứa nhiều flavonoid. Tốt hơn hết chúng ta nên uống ít nhất 3 cốc trà mỗi ngày. Ngoài ra trong lá trà xanh còn có chất catechin, chất này hoạt động như một chất bảo vệ tim mạch và tăng cường trao đổi chất cho cơ thể.

Cà chua nấu chín

Cà chua rất giàu lycopene, đây là một chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim lên đến 59%, hợp chất này có tác dụng bảo vệ tim mạch chống lại sự hình thành các cục máu đông, ngăn ngừa xơ vữa động mạch do các chất béo tích tụ trên thành của động mạch.

Các loại đậu và hạt

Đậu lăng, đậu Hà Lan... giúp làm giảm cholesterol, ngăn ngừa sự khởi phát của các rối loạn tim mạch. Chúng cung cấp protein thực vật, carbohydrate với chỉ số đường huyết thấp và bổ sung một lượng lớn các vitamin nhóm B.

Bổ sung một nắm hạnh nhân hoặc hạt óc chó mỗi ngày sẽ giúp chúng ta duy trì sức khỏe tim mạch, các loại hạt này cung cấp một lượng lớn axit béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, magie, coenzyme Q10... Liều lượng bổ sung các loại hạt phù hợp là 30 - 60 gam hạt mỗi ngày.

Hạt lanh cũng là một loại hạt rất tốt cho sức khỏe tim mạch do chúng có chứa chất xơ hòa tan, axit alpha-linolenic... có tác dụng làm giảm các loại lipid có hại, ngừa nghẽn tắc mạch, đau tim.

Yến mạch

Yến mạch giúp làm giảm lượng cholesterol xấu, giảm mỡ máu, cung cấp lượng chất xơ hòa tan phong phú và rất nhiều chất dinh dưỡng thực vật khác (kali, magie, kẽm, đồng, mangan, selen, axit pantothenic...).

Ớt bột

Trong thành phần của ớt có chứa các hợp chất axit phenolic làm tăng khả năng miễn dịch, kiểm soát chỉ số huyết áp ổn định, bảo vệ tim mạch, ngăn nguy cơ mắc đái tháo đường.

Quả bơ

Quả bơ có chứa phytosterol giúp điều chỉnh lượng cholesterol xấu, các axit oleic và linoleic trong quả bơ cũng góp phần kiểm soát mức cholesterol tốt và các chất béo trung tính giúp bảo vệ trái tim.

Khoai lang

Khoai lang rất giàu vitamin A, lycopene và carotenoid giúp cơ thể cân bằng lượng đường có trong máu và lượng chất xơ vô cùng dồi dào giúp giảm mỡ máu rất tốt. Ăn khoai lang mỗi ngày sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp và tim mạch hiệu quả.

Cá nhiều dầu

Cá hồi, cá trích, cá cơm, cá thu... rất tốt cho tim mạch nhờ hàm lượng omega-3 cao, ngoài ra còn cung cấp thêm các loại vitamin B12, vitamin D và i-ốt.

Các loại trái cây tươi

Ăn trái cây tươi thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên đến 40%, ngừa 16% trường hợp tử vong do tim mạch. Các loại quả mọng (quả dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi...) rất được ưa chuộng do hàm lượng chất chống oxy hóa cao, ít ngọt giúp hạn chế hấp thu các loại carbohydrate đơn.

Tỏi đen

Tỏi đen rất giàu S-AllylCysteine - chất bảo vệ tim và giảm sự tích tụ của các mảng xơ vữa trong lòng động mạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Trời lạnh, người đàn ông 34 tuổi tuổi bị đột quỵ khi đang chơi bóng bàn

Khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận người đàn ông 34 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Huyền ([Tên nguồn])
Bệnh tim mạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN