Mất lưỡi do... chủ quan

Khảo sát của bệnh viện chuyên ung bướu cho thấy có gần 62% bệnh nhân ung thư lưỡi nhập viện muộn, bệnh trạng đã chuyển sang giai đoạn III, IV.

Ông P.T.H (52 tuổi, ngụ TPHCM) bị đau rát vùng lưỡi, ăn uống khó khăn nhưng cứ tưởng bị nhiệt miệng nên chỉ uống thuốc kháng viêm qua loa. Sau gần 2 tháng, bệnh tình của ông H. không giảm mà những cơn đau trong miệng ngày càng tăng.

Mất lưỡi do... chủ quan - 1

Khám luỡi tại Bệnh viện Ung Buớu TPHCM

Ông đi khám tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, các bác sĩ (BS) phát hiện một vết loét 2 cm ở mặt bụng của lưỡi, lệch sang trái. Kết quả sinh thiết cho thấy ông H. bị ung thư lưỡi, buộc phải cắt bỏ một phần lưỡi và được ghép phần lưỡi mới bằng vạt da lấy từ cẳng tay.

Nam dễ mắc hơn nữ

Theo Hội Ung thư TPHCM, ung thư lưỡi là ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư hốc miệng. Cứ  100.000 dân thì có 3 người mắc căn bệnh này. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, bệnh nhân đa số do chủ quan nên nhập viện muộn, làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Để tránh di căn, nhiều bệnh nhân buộc phải cắt phần lưỡi hoại tử ảnh hưởng đến chức năng nói và nuốt của người bệnh.

BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, cho biết mỗi năm BV ghi nhận từ 150-200 trường hợp ung thư lưỡi. Bệnh nhân đa số nhập viện ở giai đoạn muộn. Một nghiên cứu của BV cũng cho thấy: Độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị ung thư lưỡi là 57,9; tỉ lệ nam/nữ là 1,7/1. Bệnh nhân nhập viện muộn (giai đoạn III, IV) là 61,6%. Tỉ lệ người bệnh còn sống sau 3 năm điều trị là 47% (điều trị ở giai đoạn I, II là 70,9%; giai đoạn III, IV là 28,8%).

Các BS cho biết nam giới dễ mắc bệnh ung thư lưỡi hơn nữ bởi thói quen uống rượu, hút thuốc lá. Các yếu tố này có nguy cơ gây ung thư lưỡi cao vì sẽ tạo ra những chất kích thích, hóa chất độc hại tác dụng trực tiếp lên niêm mạc, làm tổn thương lưỡi và tổn thương này nếu kéo dài có thể gây ung thư. Ngoài ra, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, những chấn thương lưỡi, viêm vùng miệng, họng… lâu ngày cũng là thủ phạm gây ung thư lưỡi và ung thư này có thể di căn sang các bộ phận khác dẫn đến tử vong.

Nhiều phương pháp cứu lưỡi

Các chuyên gia y tế cho biết  ung thư lưỡi một khi đã bị thì người bệnh sẽ vô cùng khổ sở, bất tiện từ chuyện ăn uống, giao tiếp đến những sinh hoạt trong cuộc sống, tuy nhiên, không phải hết cách cứu chữa. Theo TS-BS Trần Văn Thiệp, Trưởng Khoa Đầu cổ BV Ung Bướu, tùy theo giai đoạn mắc bệnh, bệnh trạng, diện tích phần lưỡi bị ung thư của mỗi bệnh nhân mà có những phương pháp phẫu thuật tái tạo khác nhau.

Với tổn thương nhỏ ở vị trí đầu lưỡi hay giữa lưỡi thì phẫu thuật đơn giản. Còn những trường hợp vị trí ung thư nằm ở vùng rìa lưỡi sẽ phẫu thuật cắt nửa lưỡi và tái tạo lưỡi bằng vạt da cơ hoặc vạt tự do. Tại BV Ung Bướu TPHCM thường dùng vạt cẳng tay quay tự do để tạo hình phần lưỡi bị cắt. Phương pháp này giúp cho những bệnh nhân ở giai đoạn trễ có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố mới đây của BV Chợ Rẫy cũng mở ra hy vọng cứu được lưỡi ung thư cho những người không may mắc phải căn bệnh này. Đó là dùng vạt da cơ dưới móng để tái tạo phần lưỡi bị cắt. Các bệnh nhân được BV Chợ Rẫy điều trị bằng phương pháp này cho thấy không có trường hợp nào gây hoại tử vạt và tái phát sau mổ, chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo BS Trần Phan Chung Thủy, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng BV Chợ Rẫy, vạt cơ dưới móng có nhiều ưu điểm là mỏng dễ làm, khả năng lành cao, giữ được chức năng của lưỡi và có tính thẩm mỹ. Vạt này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp ung thư đầu cổ. “Sự thành công của phương pháp này mở ra một hướng mới trong kỹ thuật tái tạo vùng u bị cắt cho người bệnh” - BS Thủy nhấn mạnh.

Tự kiểm soát bản thân

Các BS khuyến cáo ung thư lưỡi là bệnh diễn tiến âm thầm nên phải biết phòng tránh. Đó là thực hiện tốt vệ sinh răng miệng; sử dụng nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối để ngừa sâu răng và nhiễm trùng nướu răng; hạn chế rượu, đồ uống có cồn và thuốc lá. Nếu thấy vết loét ở lưỡi lâu ngày không khỏi, đặc biệt là có sự hiện diện của các khối u hạch bất thường ở cổ thì phải đi khám để chẩn đoán kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẠNH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN