Con “thần y” cũng chết vì tự chữa rắn cắn

Người bắt rắn chết vì rắn độc cắn đã đành, điều đáng nói là ngay cả con các “thầy lang” được mệnh danh là “thần y” trị rắn cũng chết vì rắn cắn.

Tất cả là do sự chủ quan khi bị rắn cắn, tự cứu chữa theo phương pháp dân gian mà không đưa ngay nạn nhân đến các cơ sở y tế cấp huyện sơ cấp cứu, trước khi đưa lên tuyến trên…

Tử vong do chủ quan khi rắn độc cắn

“Liên tục trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, số người bị rắn độc cắn ngày càng tăng. Điều đáng nói, nhiều nạn nhân đã tử vong khi tự tìm đến các “thầy lang” trị rắn mà không đến các cơ sở y tế địa phương để sơ cấp cứu trước khi đưa lên tuyến trên…”, Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, PGĐ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự với PV xung quanh vấn đề nhiều trường hợp tử vong do bị rắn cắn trước khi đưa đến bệnh viện.
Nạn nhân Nguyễn Văn Quỳnh bị rắn cắn đang điều trị tại Trung tâm.

Theo PGĐ Nguyễn Kim Sơn, thời gian gần đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc như cạp nong, cạp nia, rắn hổ… cắn.

“Đây là tuyến cuối nên nhiều trường hợp đưa đến (không được sơ cứu ở tuyến dưới như cho dùng ống thở khí quản) thường rất nặng. Nếu bị rắn hổ cắn bệnh nhân thường bị hoại tử, còn nếu bị rắn lục cắn thường có dấu hiệu đông máu, nếu không dùng huyết thanh kháng độc rắn kịp thời rất dễ tử vong. Nếu bị rắn cạp nia cắn mà không sơ cứu như đặt ống khí vào đường thở thì khó cứu chữa”, BS Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân khi bị rắn cắn đưa vào viện mà không trải qua quá trình sơ cứu nên khi vào đến viện thì đã quá muộn. Thường khi bị rắn cắn, nạn nhân và người nhà rất chủ quan, đó là việc hết sức nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân khi bị rắn độc cắn.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Kim Sơn đã chỉ cho PV trường hợp chủ quan với rắn độc cắn may mà nhập viện kịp thời.

Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Quỳnh (Minh Đức, Phổ Yên, Thái Nguyên). Vốn là thợ bắt rắn giỏi có tiếng trong vùng, nhưng do chủ quan dùng tay bắt rắn mà không sử dụng đến đồ nghề nên anh Quỳnh đã bị rắn cạp nong cắn.

Con “thần y” cũng chết vì tự chữa rắn cắn - 1

Nạn nhân Nguyễn Văn Quỳnh bị rắn cắn đang điều trị tại Trung tâm

“Tối hôm mùng 7 (âm lịch), tôi và Quỳnh đi bắt rắn, khi thấy rắn cạp nong, Quỳnh đã không ngần ngại dùng tay vồ rắn, bị rắn cắn vào tay, may mà đưa đến bệnh viện tỉnh Thái Nguyên sơ cứu, rồi chuyển lên đây, nếu không khó giữ nổi tính mạng”, bác của bệnh nhân Quỳnh kể lại.

“Trước đây nạn nhân chủ yếu bị cắn vào chân, nhưng nay do chủ quan bắt bằng tay, trên 80% nạn nhân bị rắn cắn vào tay”, BS Sơn cho biết.

Ngay cả con thầy lang trị rắn còn chết…

Ngoài các trường hợp tử vong do chủ quan nên không được sơ cứu trước khi đưa lên tuyến trên, có một điều đáng nói, không ít bệnh nhân bị rắn độc cắn cũng phải chết tức tưởi khi đi chữa trị tại các “thầy lang” vùng.

Theo BS Nguyễn Kim Sơn, “khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân không nên đến chữa trị tại các “thầy lang” vườn. Bởi ngay cả con các “thầy lang” có tiếng như Lang Long, Lang Trấu ở hai làng Phụng Thượng (Phúc Thọ), Lệ Mật (Long Biên) còn chết vì rắn hổ chúa cắn. Một người ở Phụng Thượng thì chết trên đường đến bệnh viện, một người thì khi đưa đến chùa Bộc bị tắc đường nên cũng tử vong trên đường đi cấp cứu…”

“Còn ông lang Vấn vốn là người trị rắn cắn nức tiếng vùng Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị rắn hổ chúa cắn cũng phải mổ cổ để cấp cứu. Bởi khi ông Vấn đến không vào Trung tâm, mà lại ngồi ngoài, nếu khỏi thì về, nên khi vào thì nọc độc đã làm tắc khí quản phải mổ cổ mới chữa được…”, BS Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Con “thần y” cũng chết vì tự chữa rắn cắn - 2

BS Nguyễn Kim Sơn hướng dẫn cách bắt rắn bằng kẹp

Theo phương pháp chữa rắn cắn trong dân gian, người dân khi bị rắn cắn thường lấy cây cỏ xung quanh khu vực bị rắn cắn, giã ra lấy nước uống, ăn bã cây, hoặc lấy trứng gà đục một lỗ cho vào chỗ có rắn cắn, có người còn lấy phao câu gà dí vào chỗ bị rắn độc cắn để hút độc… Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “ Không nên mất thời gian làm việc đó, ăn chanh thì bị loét dạ dày, ăn lá dễ bị tắc ruột,…”

Khi bị rắn độc cắn, phải sơ cứu ngay…

Theo BS Nguyễn Kim Sơn, khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế tuyến huyện để theo dõi trường hợp liệt hô hấp trong vài tiếng, sau đó sơ cấp cứu bằng cách đưa ống nội khí quản vào đường thở. Khi đưa lên tuyến trên, phải có nhân viên y tế đi cùng theo dõi hô hấp.

“Đặc biệt, khi phát hiện nạn nhân bị rắn cắn, cần làm mọi biện pháp nhưng tránh làm những điều có hại thêm cho bệnh nhân, trước mắt cần ổn định tình trạng bệnh nhân, không làm nạn nhân hoảng loạn.

Thực hiện các biện pháp an toàn phù hợp để tăng thải đồng thời hạn chế hấp thu nọc độc như có thể chích, rạch, nặn máu (làm với nhóm rắn hổ), băng ép chi bị cắn, chú ý không chích rạch vết thương do nhóm rắn lục cắn, đồng thời liên hệ chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, hồi sức và dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu xử trí kịp thời.

Không nên mất nhiều thời gian và sức lực để tìm thầy lang thuốc lá vì sẽ làm chậm trễ quá trình đến bệnh viện và có thể làm mất đi cơ hội được cứu sống”, BS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Việt Nam hiện nay có 153 loại rắn, trong đó có khoảng 30 loài rắn độc thuộc 2 họ chủ yếu là họ rắn hổ và họ rắn lục. Họ rắn hổ thường gặp là cạp nia, cạp nong , cạp nong đầu đỏ, hổ mang bành (còn gọi là hổ đất, hổ phì), hổ mang chúa… Họ rắn lục thường gặp là rắn lục tre, rắn lục xanh, rắn khô mộc, rắn chàm quạp…

Tùy từng họ rắn mà dạng nọc độc có chứa các thành phần khác nhau, khi cắn cũng gây các triệu chứng khác nhau. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai hiện có 2 loại huyết thanh chống độc là huyết thanh kháng độc rắn lục tre, và huyết thanh kháng độc rắn hổ đất tinh chế, nguồn gốc Việt Nam do viện Vắc xin sinh học Nha Trang sản xuất đạt tiêu ISO. Theo tổ chức y tế thế giới khuyến cáo, rắn ở nơi nào thì nên dùng huyết thanh trị rắn ở nơi đó sản xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Ninh (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN