Mắt giảm thị lực do nhậu nhiều?

Tình trạng sử dụng rượu nhiều, thường xuyên và kéo dài ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Theo viện Chiến lược và chính sách y tế, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ gần 16 lít bia và 4 lít rượu mỗi năm. Những con số đó có liên quan đến việc tại bệnh viện Mắt Trung ương hàng năm tiếp nhận và điều trị hàng chục ca giảm thị lực do rượu.

Ngộ độc thần kinh thị giác do rượu

Rượu là hợp chất hữu cơ có chứa một hay nhiều nhóm OH. Có nhiều loại rượu: etylic, methylic, isopropanol, ethylenglycol… Rượu để uống là rượu etylic hay còn gọi ethanol. Rượu uống vào được hấp thu nhanh với 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30 – 60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Sau khi hấp thu, rượu được chuyển hoá chủ yếu tại gan (90%). Khi uống rượu quá nhiều, quá trình chuyển hoá và thải trừ quá tải, lượng cồn trong máu quá cao và kéo dài sẽ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể như viêm loét đường tiêu hoá, tổn thương gan… đặc biệt gây giảm thị lực do ngộ độc dây thần kinh thị giác.

Mắt giảm thị lực do nhậu nhiều? - 1

Những người mạnh rượu bia sẽ nhanh yếu mắt! (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái

Ngộ độc thị thần kinh do rượu có các đặc điểm: gặp ở những người uống rượu nhiều, uống liên tục trong một thời gian dài; tổn thương gặp ở cả hai mắt; thị lực giảm từ từ, thị trường thu hẹp; đáy mắt: đĩa thị bình thường hoặc bạc màu phía thái dương, nếu tiến triển xấu có thể dẫn đến teo dây thần kinh thị giác.

Cơ chế bệnh sinh và điều trị

Nhiều giả thuyết cho rằng tổn thương thần kinh thị giác là do thiếu dinh dưỡng, rượu làm thay đổi tính thấm của màng tế bào và ức chế chuyển hoá oxy, đồng thời vì thiếu hụt kẽm do giảm hấp thu ở đường tiêu hoá tác động trực tiếp gây rối loạn dẫn truyền sợi thần kinh.

Để điều trị, phải ngừng uống rượu, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: thuốc giãn mạch và vitamin nhóm B, các thuốc thải độc ở gan… Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm, thị lực có thể phục hồi một phần. Ở giai đoạn muộn khi đã teo dây thần kinh thị giác, thị lực khó phục hồi.

Cần lưu ý, các trường hợp nghiện rượu hoặc uống quá nhiều rượu có nguy cơ mù loà cao. Khả năng phục hồi thị lực của những đối tượng này tuỳ thuộc việc điều trị sớm hay muộn, mức độ tổn thương gai thị, thị thần kinh... Nếu mắt đã teo gai thị thì khả năng phục hồi thị lực rất thấp.

Mù mắt vì uống cồn ethanol

Bệnh viện Mắt Trung ương từng tiếp nhận một bệnh nhân nam P.Đ.T., 40 tuổi, ngụ ở Thanh Trì, Hà Nội, nhập viện do ngộ độc cồn ethanol. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông T. là giáo viên hoá cấp 3, có tiền sử nghiện rượu, gia đình đã bắt đi cai rượu. Tuy nhiên do thường xuyên gặp gỡ bạn bè nên ông T. có biểu hiện tái nghiện. Trong một lần làm việc tại phòng thí nghiệm hoá của trường, quá thèm rượu nên ông T. đã uống một chén cồn ethanol. Sau đó, ông T. thấy người buồn nôn, chóng mặt, mắt mờ dần và đến hôm sau thì không nhìn thấy gì nên người nhà đưa đi khám bệnh. Kết quả thăm khám cho thấy, đồng tử hai mắt giãn, không còn phản xạ, thị lực sáng tối âm tính. Ông T. còn bị xuất huyết dưới da nên tiếp tục được chuyển sang trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai. Sau khi nhập viện ở đây, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, được tiến hành lọc máu. Sau một tuần, bệnh nhân mới dần tỉnh, xuất viện và quay lại khám ở bệnh viện Mắt Trung ương nhưng thị lực hai mắt do ngộ độc cấp tính đã mất hẳn, không thể phục hồi.

Lê Hương


Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Thuỷ (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN