Lấy đơn thuốc từ trên mạng, con suýt tử vong

Mỗi khi có bệnh gì, khó chịu trong người thay vì đến bệnh viện thì nhiều người lại lên mạng tìm kiếm triệu chứng và tự lấy đơn cho mình từ trên mạng dẫn đến tiền mất, tật mang.

Bệnh viện là internet

Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận rất nhiều cháu bé bị suy thận, suy hô hấp nặng vì các bài thuốc do mẹ của cháu lấy từ trên mạng về cho con uống. Cháu Võ Hoài Nh, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp độ 3. Trước đó, cháu có biểu hiện sốt, ho húng hắng. Thay vì cho con đến bác sĩ mẹ cháu lại lên mạng tra triệu chứng và lấy đơn thuốc về cho con uống. Cháu bé 5 tuổi này được mẹ cho uống kháng sinh, hạ sốt và đủ các kiểu thuốc, đổi thuốc.

Lấy đơn thuốc từ trên mạng, con suýt tử vong - 1

Ảnh minh họa

Đến khi bệnh của cháu không đỡ vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ cho biết cháu bị viêm hô hấp độ 3, phải thở máy và điều trị cách ly. Mẹ của Nh vẫn cho rằng mọi khi cháu ốm chị vẫn lấy đơn thuốc từ trên mạng và con khỏe lại, hết ốm. Lần này chị không ngờ là đơn thuốc lại vô tác dụng còn dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng do sốt vi rút.

Không phải bệnh nhi nhưng bà Cao Thúy L. bị chứng bệnh đau mỏi vai gáy. Mỗi lần dơ tay lên cao bà cảm nhận nhức trong bả vai và tê bì chân tay. Với từ khóa đó, không khó để bà L. nhờ con tìm xem là bệnh gì trên mạng. Con bà đoán do thoái hóa đốt sống cổ gây nên. Vậy là chẳng cần bác sĩ nào khám, bà L. nghe những người đã điều trị bệnh này thành công bằng các phương pháp uống thuốc nam và chườm nước nóng. Bà thử làm như thế thấy tay chân cũng đỡ nhức hơn. 

Tuy nhiên, một thời gian sau bà thấy người mệt mỏi, tay càng ngày càng đau không đưa lên quá đầu được. Đêm ngủ đau không trở mình được. Bà đến bệnh viện khám bác sĩ cho biết bà bị máu nhiễm mỡ, có đường trong nước tiểu và biểu hiện của suy thận. Lúc này, bà L. hốt hoảng kể về gần 1 năm bà chữa thoái hóa bằng thuốc đông y sắc sẵn. Bác sĩ cho biết có nhiều khả năng do bà bị ngộ độc thuốc đông y dẫn đến suy thận…

Tin bác sĩ ảo có ngày mất mạng
 
Nói vế việc tự bắt bệnh và lấy thuốc cho mình đang tồn tại nhiều ở các nơi từ thành thị đến nông thôn, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết ông gặp một tỷ lệ cao những người bệnh thuộc lĩnh vực cơ xương khớp bị các biến chứng do lạm dụng thuốc, dẫn đến bị suy tuyến thượng thận, dẫn đến hội chứng Cushing và hàng loạt bệnh lí khác như loãng xương, thoái hóa khớp, viêm da, xuất huyết dưới da…
Hầu hết những người bệnh này đều sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, những toa thuốc, bài thuốc truyền tay nhau hoặc lấy về từ trên mạng. Bác sĩ Sơn nhấn mạnh việc sử dụng những toa thuốc lưu truyền trên mạng gần như chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Tất cả các loại thuốc đều có thể là thuốc độc. Đối với người này nó là thuốc chữa bệnh nhưng với người khác thì nó là thuốc độc. Đối với cùng một người, ở thời điểm này thì nó là thuốc chữa bệnh nhưng lúc khác nó lại gây bệnh. Một thứ thuốc có thể chữa được bệnh này nhưng lại gây ra bệnh khác…

Do vậy, hãy đến với các bác sĩ thực khi bị bệnh. Tin vào các bác sĩ ảo, nguy cơ nhận lãnh những hậu quả nặng nề là vô cùng lớn. Một thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm với xã hội không bao giờ cho toa thuốc trên mạng cho mọi đối tượng. Những thầy thuốc thực sự có trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng sẽ luôn cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan để có một chẩn đoán đúng và liệu pháp điều trị đúng đối với từng cá thể. Hãy là một người tiêu dùng thông minh để nhận biết điều ấy.

Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương thì lo ngại rằng internet và mạng xã hội phát triển trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các lang băm quảng cáo việc khám chữa bệnh bằng những bài thuốc “bí truyền”, “thần dược”. Nhiều thầy lang quảng cáo rầm rộ về những bài thuốc chữa khỏi từ bệnh ung thư đến xơ gan, thậm chí cả HIV. 

Tại bệnh viện gặp rất nhiều nạn nhân của việc sử dung thuốc tràn lan thậm chí chỉ là thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thần dược và người bệnh tin vào điều đó sử dụng nó như cứu cánh cho căn bệnh của mình mà quên đi việc tìm đến bệnh viện khám rõ ràng, bác sĩ tư vấn.

Vấn đề tìm đơn thuốc, tìm bác sĩ ảo đang xảy ra hàng ngày, thậm chí có người đã tử vong vì thấy thuốc ảo kê đơn. Các bác sĩ ảo này có thể là những người từng là bệnh nhân, khi họ bị bệnh và được chữa hết bệnh, họ muốn phổ biến cách chữa của mình cho cộng đồng với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ. 

Tuy nhiên, cơ thể con người không ai giống ai, bệnh lí cũng vậy, cùng một triệu chứng nhưng có thể lại là do những bệnh lí khác nhau, thậm chí phương pháp điều trị trái ngược nhau… nên việc áp dụng một toa thuốc chung cho mọi người là điều hết sức phản khoa học và nguy hiểm. Tin vào các bác sĩ ảo, nguy cơ nhận lãnh những hậu quả nặng nề là vô cùng lớn – bác sĩ Sơn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN