Khi nào trẻ mới cần dùng thuốc uống bù nước và điện giải?

Sự kiện: Bác sĩ của bạn

Ths. Ds. Nguyễn Nguyệt Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa hướng dẫn cha mẹ cách sử dụng thuốc uống bù nước và điện giải cho trẻ.

Tại sao trẻ cần sử dụng thuốc uống bù nước và điện giải?

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, gây ra tình trạng cơ thể mất muối, mất nước. Sự cân bằng muối và nước rất quan trọng để cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Trong một số trường hợp, mất nước sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt trên trẻ nhỏ do khó nhận biết được các dấu hiệu mất nước. Thuốc uống bù nước và điện giải không điều trị tiêu chảy nhưng giúp thay thế muối và nước đã mất, do đó giảm tác động của tình trạng cơ thể mất nước.

Khi nào trẻ mới cần dùng thuốc uống bù nước và điện giải? - 1

Dấu hiệu trẻ ở trạng thái mất nước

- Trẻ nhỏ dùng ít bỉm hơn, bỉm nhẹ hơn bình thường hoặc trẻ lớn tiểu ít hơn bình thường (tiểu ít hơn so với bình thường 2-3 lần mỗi ngày)

- Trẻ ít vận động hơn bình thường, uể oải, buồn ngủ

- Khô miệng

- Khóc không có nước mắt

- Vết lõm mềm trên đỉnh đầu trẻ

Khi nào nên dùng thuốc bù nước và điện giải?

Thuốc uống bù nước và điện giải nên được dùng sau mỗi lần trẻ tiêu chảy.

Lượng thuốc nên dùng cho trẻ

Bác sĩ sẽ quyết định lượng thuốc (liều dùng) phù hợp cho trẻ. Nếu bạn mua từ nhà thuốc, liều dùng có trên nhãn gói thuốc. Khuyến khích trẻ uống cho đủ liều được khuyến cáo.

Thuốc nên được dùng như thế nào?

Bột pha uống: Mở gói, đổ lượng bột chứa trong gói vào 200 ml nước đun sôi để nguội. Khuấy đều để bột thuốc tan hết trong nước. Đảm bảo rằng trẻ uống đủ liều. Nếu trẻ không thể uống hết trong 1 lần, cho trẻ uống tiếp sau 30 phút. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ bằng thìa hoặc dùng ống hút nếu cần thiết.

Nếu để ở nhiệt độ phòng, dung dịch đã pha sau 1 giờ cần loại bỏ. Nếu bảo quản dung dịch đã pha trong tủ lạnh, có thể dùng trong vòng 24 giờ.

Sau khi uống bao lâu, thuốc sẽ có tác dụng?

Thuốc bù nước và điện giải sẽ có hiệu quả nhanh chóng và tình trạng mất nước sẽ được cải thiện trong vòng 3 đến 4 giờ.

Làm gì nếu trẻ bị nôn?

Thông thường, trẻ có thể buồn nôn đi kèm với tiêu chảy do viêm dạ dày ruột. Nếu trẻ buồn nôn kèm tiêu chảy, việc đưa một lượng lớn dịch vào cơ thể dễ khiến trẻ bị nôn. Vì vậy, đảm bảo bù đủ nước và điện giải cho trẻ bằng cách chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống một lượng nhỏ (10-20 ml mỗi 5-10 phút).

Nếu trẻ bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cho trẻ uống lại.

Nếu trẻ nôn sau 30 phút uống thuốc, không cần cho trẻ uống lại cho đến khi trẻ đi ngoài lần tiếp theo.

Làm gì nếu quên cho trẻ uống thuốc?

Cho trẻ uống liều kế tiếp ngay khi bạn nhớ ra.

Làm gì nếu cho trẻ uống quá liều?

Bạn sẽ không làm hại trẻ nếu cho uống nhầm 1 liều thuốc.

Có thể cho trẻ uống các thuốc khác cùng lúc với thuốc bù nước và điện giải không?

Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ uống bất kì thuốc nào khác, bao gồm cả thuốc có nguồn gốc thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.

Bác sĩ lưu ý cha mẹ nếu trẻ không uống được thuốc bù nước và điện giải, cho trẻ uống nước (nước đun sôi để nguội với trẻ từ 1 tuổi trở xuống) hoặc nước hoa quả. Liên hệ với bác sĩ nếu trẻ không uống bất kì loại nước nào.

Trong 24 giờ đầu tiên với trẻ nhỏ bị tiêu chảy, tốt nhất cho trẻ bú sữa mẹ. Với trẻ lớn hơn, hạn chế đồ ăn rắn hoặc sữa trong vòng 24 giờ vì có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn. Nếu tình trạng trẻ cải thiện hơn, có thể cho trẻ uống nước và nước hoa quả như bình thường, tiếp tục dùng thuốc bù nước và điện giải sau mỗi lần đi ngoài.

Sau 24 giờ, nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ được cải thiện, việc ăn uống có thể như bình thường. Trẻ có thể vẫn bị tiêu chảy nhẹ kéo dài đến 1 tháng sau khi mắc viêm dạ dày, ruột.

Chỉ nên dùng nước để pha thuốc uống bù nước và điện giải, không dùng sữa hay nước hoa quả và không bao giờ thêm đường hay muối vì thuốc uống bù nước và điện giải chứa một lượng chính xác muối và nước phù hợp nhất với cơ thể.

Ths. Ds. Nguyễn Nguyệt Minh – Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia Nhi lưu ý đặc biệt về dùng thuốc khi trẻ sốt cao

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi trẻ sốt, chỉ được dùng hạ sốt paracetamol, không dùng xen kẽ với các loại thuốc khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bác sĩ của bạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN