Khi nào cần bổ sung các vitamin

Chỉ bổ sung các vitamin A, D, E bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi có các dấu hiệu thiếu hụt.

Các vitamin tan trong dầu được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất là vitamin A, D, E…  Chúng có thể ở dạng đơn lẻ hoặc phối hợp với các vitamin và khoáng chất khác. Vậy 3 loại vitamin này quan trọng như thế nào với cơ thể? Và khi nào cần bổ sung?

Vitamin A: Rất cần thiết cho cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thị giác (nếu thiếu sẽ gây bệnh quáng gà, khô mắt, loét giác mạc); trên biểu mô và các tổ chức da, vitamin A (đặc biệt axít retinoic) kích thích biệt hóa tế bào biểu mô, sinh tiết nhầy, ức chế sự sừng hóa tế bào biểu mô. Người thiếu vitamin A dễ bị mẫn cảm với các chất gây ung thư và các tế bào nền của biểu mô ở những vùng khác nhau tăng sản rõ rệt và giảm khả năng biệt hóa.

Tuy nhiên, cơ chế tác dụng chống ung thư của vitamin A vẫn chưa được giải thích đầy đủ nhưng có thể vitamin A điều hòa sự sinh tổng hợp protein, đặc biệt cần thiết cho sự biệt hóa tế bào của tổ chức biểu mô này và ức chế sự nhân lên của tế bào ung thư. Trên chức năng miễn dịch, vitamin A tăng sức đề kháng của cơ thể.

Khi nào cần bổ sung các vitamin - 1

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thị giác. Ảnh: SEATIMES.COM.VN

Vitamin A được dùng trong các trường hợp: Bệnh khô mắt, quáng gà, trẻ chậm lớn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng; bệnh trứng cá, da, tóc, móng khô, bệnh á sừng, bệnh vẩy nến; hỗ trợ trong điều trị ung thư da, cổ tử cung, đại tràng, phổi và phòng, chống lão hóa.

Khi cơ thể bị thiếu vitamin A sẽ có các triệu chứng như tăng sừng hóa biểu mô, da khô, thoái hóa tuyến mồ hôi, nhiễm trùng da, quáng gà, khô màng tiếp hợp, khô giác mạc có thể gặp viêm loét giác mạc dễ dẫn đến mù lòa và cơ thể dễ bị nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu, sinh dục và chậm lớn, chán ăn...

Vitamin D: Được dùng trong phòng và chống còi xương ở trẻ em, phòng và chống loãng xương, nhuyễn xương ở người lớn, người gãy xương lâu lành; phòng và chống co giật trong suy cận giáp… Vitamin D có tác dụng tăng hấp thu canxi ở ruột và tái hấp thu canxi ở ống thận; phối hợp với hormone cận giáp điều hòa nồng độ canxi trong máu và tăng tích tụ canxi trong xương…

Việc thiếu vitamin D có thể do giảm hấp thu ở ruột, suy cận giáp, dùng thuốc ức chế enzym gan, người ít tiếp xúc với nắng. Thiếu vitamin D có dấu hiệu giảm canxi và phosphat trong máu, có thể gặp cơn hạ canxi máu. Thiếu lâu dài dẫn đến còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn.

Vitamin E: Người ta thấy vai trò của vitamin E là làm tăng sản xuất tinh trùng và khả năng thụ thai, làm tổ của trứng đã thụ thai; ngăn cản sự tạo thành gốc tự do, làm vững bền màng tế bào đặc biệt khi có mặt vitamin C và các chất có chứa nhóm SH; tăng hấp thu và dự trữ vitamin A nhưng lại làm giảm một số triệu chứng của sự thừa vitamin A... Vì vậy, vitamin E được dùng trong các trường hợp: dọa sẩy thai, phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp, vô sinh; teo cơ; thiếu máu, tan máu, bệnh xơ cứng bì ở trẻ em và lipid máu cao... Ngoài ra, vitamin E còn được dùng để chống lão hóa (thường dùng chế phẩm phối hợp vitamin E với coenzym Q, axít amin chứa lưu huỳnh hoặc β - caroten, vitamin C và selen); cận thị tiến triển do giảm sự ôxy hóa của β- caroten ; chứng đái dầm sau đẻ hoặc rối loạn kinh nguyệt...

Thiếu hụt vitamin E kéo dài sẽ gây giảm phản xạ, giảm nhạy cảm xúc giác, yếu cơ, teo cơ phì đại, giảm sản xuất tinh trùng, giảm khả năng thụ thai, dọa sẩy thai, đẻ non, tổn thương cơ tim, thiếu máu, tan máu và rung giật nhãn cầu...

Cần lưu ý: Chỉ bổ sung các vitamin trên bằng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) khi có các dấu hiệu thiếu hụt như đã nêu trên. Lý do là khi dùng thừa sẽ tích lũy trong cơ thể gây nên các rối loạn do thừa vitamin. Vì vậy, phải dùng hết sức thận trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DS Thu Hương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN