Jolie cắt ngực: Bác sĩ Việt Nam nói gì?

Sự kiện: Ung thư

Cách đây 3 ngày, ngôi sao Hollywood Angelina Jolie tiết lộ trên New York Times rằng cô đã cắt bỏ toàn bộ hai bên vú để ngăn ngừa bệnh ung thư. Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, quyết định của Angelina Jolie quá “vội vàng”.

Không phải cứ mang gen là bị ung thư vú

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam, quyết định cắt bỏ ngực của các ngôi sao là quá vội vàng vì không phải ai mang gen gây ung thư cũng sẽ bị ung thư vú.

Trước đó, Angelina Jolie xét nghiệm thấy có gen mang nguy cơ ung thư vú là 87% và 50% nguy cơ ung thư buồng trứng. Cô quyết định cắt bỏ toàn bộ hai bên vú để ngăn ngừa ung thư.

Jolie cắt ngực: Bác sĩ Việt Nam nói gì? - 1

Sau khi cắt bỏ "núi đôi", nguy cơ mắc ung thư vú của Angelina Jolie từ 87% giảm xuống còn dưới 5%

Theo GS Đức, ở các nước Châu Âu – Mỹ cũng có nhiều người thực hiện phương pháp cắt bỏ ngực để dự phòng ung thư vú khi phát hiện gen mang bệnh. Nhiều trường hợp phát hiện 1 trong 2 loại gen gây nguy cơ ung thư vú cao nói trên nhưng không phải cứ mang gen là bị ung thư vú. Ở đây, cô Angelina chưa mắc ung thư nhưng do lo sợ mẹ cô cũng qua đời vì ung thư buồng trứng nên cô quyết định cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. "Quyết định của Angelina Jolie đáng tôn trọng nhưng theo tôi quá vội vã", GS Đức nói.

TS.BS.Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa ngoại vú, Bệnh viện K, cho biết, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào cắt tuyến vú để dự phòng ung thư. Tại viện K, các bác sỹ cũng không khuyến cáo dùng phương pháp này. Người mang gen gây ung thư vú chưa hẳn sẽ bị ung thư vú về sau. Do đó, người mang gen nên được tầm soát sớm để phát hiện và theo dõi điều trị đúng quy trình, chứ không nhất thiết phải cắt bỏ tuyến vú.

Jolie cắt ngực: Bác sĩ Việt Nam nói gì? - 2

Theo TS.BS.Nguyễn Văn Định, hiện nay tại Việt Nam chưa có trường hợp nào cắt bỏ tuyến vú để ngừa ung thư

Theo TS.Định, phương pháp cắt bỏ và tái tạo tuyến vú rất tốn kém, với người có điều kiện như các ca sỹ, diễn viên… có thể áp dụng, chứ người nông dân sẽ rất khó.

GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyên những người có mang gen gây ung thư vú không nên vội vàng cắt bỏ tuyến vú để dự phòng. Mặc dù một trong những nguy cơ bị ung thư vú là do tiền sử gia đình nhưng ở Việt Nam tính di truyền rất thấp, chỉ dưới 2 %.

Những đối tượng có nguy cơ cao như trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư vú, hoặc bản thân bị ung thư vú một bên nên tầm soát sớm để theo dõi sát. Chẩn đoán sớm thì đường hướng xử lý tốt, có thể bảo tồn tuyến vú, tạo hình tuyến vú.

Thắc mắc về việc cắt bỏ tuyến vũ sẽ làm ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, các chuyên gia khẳng định, cắt bỏ tuyến vú chỉ ảnh hưởng tính thẩm mỹ chứ không làm hỏng "chuyện vợ chồng".

Phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao

Theo các bác sỹ, nếu bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi lên đến 90%, ở giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp. Giai đoạn 4 (khối u ác tính lớn và di căn), việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.

Jolie cắt ngực: Bác sĩ Việt Nam nói gì? - 3

Bệnh nhân chờ xạ trị ung thư vú tại bệnh viện K

Tại Bệnh viện K, mỗi năm điều trị hàng trăm ca ung thư vú trong đó có hơn 50% số người bệnh đã chuyển sang giai đoạn khó điều trị. Vì vậy, phát hiện sớm ngoài khả năng chữa khỏi cao còn giúp người bệnh vẫn có thể bảo tồn tuyến vú.

Những trường hợp có nguy cơ bị ung thư cao có thể dùng thuốc dự phòng. Bên cạnh đó, còn có phương pháp mới là cộng hưởng từ tuyến vú. Phương pháp này rất an toàn không gây tác hại, có thể giúp bệnh nhân còn trẻ, phát hiện được bất thường trong vú, chẩn đoán sớm, có thể điều trị bảo tồn ngực.

Phẫu thuật bảo tồn giúp giữ nét thẩm mỹ cho tuyến vú, thời gian phục hồi sau phẫu thuật nhanh và bệnh nhân không cần thiết phải phẫu thuật tái tạo tuyến vú về sau. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bảo tồn này chỉ áp dụng được khi bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi kích thước còn nhỏ hơn 3cm và không có di căn xa. Phương pháp bảo tồn hiện nay là cắt bỏ khối bướu, nạo hạch nách cùng bên và xạ trị vào tuyến vú, hạch vùng. Đối với các trường hợp bướu lớn hơn 3cm, nếu bệnh nhân có nguyện vọng giữ lại tuyến vú, vẫn có thể điều trị bảo tồn.

Ở giai đoạn sớm của bệnh ung thư vú, bệnh thường không có các biểu hiện rõ rệt và không gây đau cho người bệnh. Khi khối u tiến triển, người bệnh sẽ thấy có các triệu chứng sau: Khối u cứng, không đau; vú to ra hoặc có thay đổi hình dáng của vú, núm vú bị lún hoặc xù xì, chảy máu; da vùng vú dày lên hoặc thay đổi màu sắc, sần sùi như vỏ quả cam...

Nên đi khám vú định kỳ 6 tháng/lần và đi khám ngay khi thấy vùng vú có những biểu hiện bất thường. Các kỹ thuật chẩn đoán y khoa hiện nay ở Việt Nam có siêu âm, chụp X-quang nhũ ảnh, cuối cùng là sinh thiết để tìm ra tế bào ung  ung thư.

Để phòng bệnh ung thư vú, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc và chất xơ sẽ giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Chị em có thể phát hiện sớm ung thư vú bằng việc tự kiểm tra vú hàng ngày như dùng các ngón tay trái, duỗi thẳng áp sát vào xương sườn xoay vòng từ ngoài vào trong nhằm phát hiện các mảng dày bất thường hoặc u, cục ở vú; để ý đến dấu hiệu tiết dịch lỏng ở núm vú.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN