Hợp tác BV công - tư: Tranh cãi nảy lửa
Bệnh viện (BV) tư khang trang, sạch đẹp nhưng vắng bóng bệnh nhân, BV công chật hẹp, nhếch nhác nhưng luôn quá tải.
Trước thực tế này, ngày 14/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Tăng cường phối hợp giữa BV Nhà nước và tư nhân thực hiện đề án giảm tải BV”. Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi nảy lửa, những xung đột quyền lợi đã xảy ra và chưa có hồi kết.
“Tư” muốn nhận nhưng “công” không chuyển
Nêu lên thực trạng giữa BV công và tư, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, thời gian qua liên tục xảy ra tình trạng quá tải ở các BV công, trong khi đó, BV tư “mọc lên” nhiều song không sử dụng hết công suất. Hiện nay, hoạt động của BV tư nhân chỉ hết 50% công suất thay vì phải hoạt động 100% công suất.
Theo tính toán của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, BV tư nhân tăng hơn gấp 4 lần, từ 40 BV năm 2004, nay có 170 BV (chiếm 11%). Mặc dù số BV tư nhân không ngừng gia tăng nhưng tỷ lệ khám chữa bệnh của khối tư nhân rất thấp, chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú, riêng khám BHYT ở BV tư chỉ phục vụ dưới 4% lượt khám. Chính vì vậy, Bộ Y tế mong muốn khối Nhà nước và tư nhân cùng “bắt tay” hợp tác để giảm tải, nhất là các BV chuyên ngành. Ông Khuê gợi ý, BV công lập có thầy thuốc giỏi thì chia sẻ với BV tư nhân về nhân lực, uy tín và chuyên môn. Còn BV tư chia sẻ với BV công về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Theo đó, những BV công quá tải, sau giai đoạn cấp cứu sẽ chuyển bệnh nhân sang BV tư điều trị. Sau đề xuất này, có nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện BV đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) cho rằng: “Bộ Y tế không cấm chuyển bệnh nhân từ BV công sang BV tư, luật cũng không cấm, nhưng họ không chuyển. Nếu họ chuyển, tôi tin chắc sẽ giảm tải cho BV công”.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV đa khoa Quốc tế Vinmec cũng kể câu chuyện có thật: “Có trường hợp đến khám ở BV công, chỉ định phải hậu môn nhân tạo, đơn vị này không làm được. Trong khi đó, chúng tôi có đoàn bác sỹ giỏi từ nước ngoài sang sẵn sàng phẫu thuật miễn phí, nhưng họ vẫn không chuyển, cuối cùng bệnh nhân phải mất 2 năm mới được mổ nhờ có sự vào cuộc của truyền thông”.
Tại các bệnh viện công thường xảy ra tình trạng quá tải
Đề cập đến vấn đề chuyển tuyến giữa hai khối BV này, đại diện một BV công ở Nghệ An thẳng thắn: “Không bao giờ có sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân, vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người ta. Mà việc này nếu làm không khéo sẽ trở thành lợi ích nhóm trong BV”. Ngoài ra, vị đại diện này cũng đề xuất, hãy để bệnh nhân “làm chủ cái thẻ BHYT của mình, nghĩa là để họ được chọn cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt công, tư”.
Có “cầu” vẫn khó “nối”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: "Chuyện lạ ở chỗ, không bao giờ có chuyện tuyến trên chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới, không có chuyện công lập chuyển bệnh nhân ra ngoài BV tư”. Quan điểm của Bộ Y tế là không phân biệt công tư, coi hai khối luôn bình đẳng, ở đâu cũng là nơi phục vụ bệnh nhân. Bộ cũng sẽ làm “cầu nối” để điều tiết giữa hai khối BV vốn rất khó “bắt tay” hợp tác này. Mục đích cuối cùng là giảm tải BV, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bộ trưởng đặt câu hỏi: “BV công có dám chuyển bệnh nhân sang BV tư không?”. Đại diện BV công, Giám đốc BV Bạch Mai, ông Nguyễn Quốc Anh, khẳng định: “Chúng tôi biết, BV tư rất mong được Bộ Y tế cho một mệnh lệnh hành chính yêu cầu BV công chuyển bệnh nhân sang BV tư, nhưng tôi tin chắc mệnh lệnh đó sẽ thất bại”. Ông Quốc Anh lý giải, muốn thu hút bệnh nhân trước hết BV phải lấy được niềm tin của người bệnh. “Bệnh nhân vào viện, mục đích là để chữa bệnh, không phải vào để được nằm điều hòa, máy lạnh, tất nhiên có thì tốt, nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả điều trị”. Vì sao BV Vinmec trước ít bệnh nhân, nhưng giờ có GS Nguyễn Thanh Liêm và có bác sỹ đầu ngành về sản nên chuyên ngành nhi, sản rất đông bệnh nhân, đó là do nhân lực thu hút bệnh nhân. “Chúng tôi khẳng định, sẽ không bao giờ chuyển bệnh nhân của mình sang BV tư nào, trừ Vinmec”, ông Quốc Anh bày tỏ.
Còn ông Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc BV K cũng cho rằng, các BV tư nhân phải tự phấn đấu, vươn lên để nâng cao chất lượng nhân lực. BV K sẵn sàng đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ nhưng vấn đề là các cơ sở tư nhân có tiếp nhận được hay không?
Dù mong muốn hợp tác vì mục đích chung nhưng buổi hội thảo với những tranh luận gay gắt vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa khối y tế công lập và tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, BV tư vẫn tiếp tục đìu hiu, trong khi BV công quá tải trầm trọng.