Hóa điên vì áp lực phải lấy vợ

Thấy con muộn màng chuyện lấy vợ, cha mẹ tính chuyện cắt duyên âm cho con nhưng đến vài năm con trai họ vẫn không tìm được ý chung nhân mà còn bị hóa điên vì sức ép từ gia đình.

Sốt ruột khi con ế vợ

Những ngày cuối năm, khoa cấp tính Nam bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tràn màu sắc u ám. Nhiều bệnh nhân đã được về quê ăn Tết nhưng vẫn còn một số bệnh nhân chờ qua đợt điều trị, có người bệnh thì ở lại ăn Tết.

Hóa điên vì áp lực phải lấy vợ - 1

Bệnh nhân điều trị tại khoa T6 - Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Trong hàng chục bệnh nhân tâm thần, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều để lại ám ảnh cho những người tiếp xúc. Câu chuyện lập gia đình tưởng như đơn giản và thuận theo lẽ tự nhiên. Nhưng nhiều người cảm thấy ân hận vì đã bỏ qua lẽ tự nhiên ấy mà tạo nên sức ép với chính con cái mình để rồi dẫn đến hậu quả đáng buồn.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Ng. là điển hình. Ngồi ở hành lang bệnh viện kể về người con đang điều trị, mẹ anh Ng. thở dài. Anh là con trai cả, qua cái tuổi thanh niên vẫn chưa có người yêu, vợ chồng bà Nguyễn Thị M. trú tại Nho Quan, Ninh Bình lo lắng nên tính chuyện xem xét cắt duyên âm để con lấy được vợ.
 

Mẹ Ng. đi xem bói ở nhiều nơi. “Tôi đi xem hết cả các thầy. Ai mách chỗ nào tôi đều đến. Có lúc, tôi ra tận Thanh Hóa xem bói cho con. Người ta đều bảo nó có duyên âm theo và phải cắt duyên mới lấy được vợ. Đến thầy nào cũng cắt duyên âm, người ta bảo tôi thế nào, vợ chồng tôi lại mang tiền ra làm lễ. Có những lần cắt duyên âm mất cả 40 triệu đồng, nhưng chờ đợi mãi nhưng con vẫn không có tình mới”... – bà M. xót ruột kể.

Hành trình cắt duyên âm của vợ chồng bà cho con trai vô cùng tốn kém. B không nhớ đã làm bao nhiêu lần. Có những hôm, bà M. còn thuê hẳn thầy cúng về nhà lập cây hương ngoài trời để mong tình âm của con chấm dứt. Khi chúng tôi hỏi lý do khiến vợ chồng bà bỏ tiền vào việc làm lễ cắt duyên âm, bà M. kể từ năm lớp 9 , Ngọc có cô bạn gái chơi rất thân từ nhỏ bị ung thư máu qua đời. Sau này, bà sợ cô bạn ấy thích con trai mình nên không cho con lấy vợ. Chính vì thế, bà có nhiều lý do hơn để làm lễ đội bát nhang, cắt căn cao số nặng của con trai.

Trái với nỗ lực của bố mẹ đang giúp con cắt duyên, N. ngày càng ít giao du bạn bè. Bà M. bảo “một phần bạn bè nó có gia đình hết, không ai có thời gian dành cho Ng. như trước, một phần, Ng. ngại khi gặp bạn bè lại bắt phạt chuyện ế ẩm của mình”. 

Áp lực từ cuộc sống, tình duyên khiến Ng. trở nên lầm lỳ. Cả ngày đi làm về, Ng. lại vào phòng đóng cửa đọc truyện. Hôm nào bà M. cũng nấu nướng rồi giục con từ việc tắm giặt cho đến dậy ăn uống. Bà bảo “ngày nó bé nó tự lập lắm vậy mà giờ bố mẹ phải chăm bẵm như con nhỏ". Nếu bố mẹ không kìm kẹp chặt, Ng. chẳng cần ăn uống hay đi tắm.

Cậu bị trầm cảm nặng, có những đêm mất ngủ, hút cả bao thuốc. Sáng dậy dọn phòng con, bà thấy xót xa vô cùng. Bị trầm cảm nhưng bố mẹ không biết nên Ng. không được điều trị kịp thời khiến cậu rơi vào trạng thái hoang tưởng, kích động, rối loạn cảm xúc. Ng. bắt đầu phá bĩnh, thay đổi cảm xúc.

Bà M. thấy con lạ nhất là hôm đám ma bà ngoại. Mọi người đang đau buồn, khóc vì mất người thân thì Ng. cứ ngồi nghêu ngao hát. Cậu còn bảo mẹ khóc làm gì, cười lên cho người chết vui vẻ. Thấy con có biểu hiện lạ, ông bà bắt đầu đi xem bói. Bà không hiểu về bệnh mà cho rằng con bị “ma ám”. 

Hối hận vì ép con cắt duyên

Vợ chồng già lại lùi hụi đi khắp các nơi từ Bắc đến Trung, nhờ thầy cúng giỏi về làm lễ trừ ma tà, giải bệnh cho con. Riêng năm 2012, bà đã mất cả trăm triệu đưa con đến các điện giải bệnh. Chỉ đến khi, em gái của Ng. ở Úc về bảo đưa Ng. đi khám bệnh, vợ chồng bà mới cho cháu đến bệnh viện khám. Lúc này, bác sĩ bảo Ng. bị rối loạn tâm thần.

Một năm trời, Ng. chỉ điều trị rối loạn tâm thần tại tỉnh, bệnh cứ đỡ rồi lại tái phát liên tục. Bà M. cố gắng làm tất cả để con trở lại được như xưa nhưng quá khó với đôi vợ chồng già. Từ cậu con trai lanh lợi, giỏi giang, Ng. trở nên đờ đẫn, vô cảm trong cuộc sống. Mỗi lần nhìn con trai bà Ng. lại thở dài. Bà không dám khóc trước mặt chồng vì sợ ông thêm buồn. Gần hai tháng nay, Ng. lại mất ngủ và dễ kích động. 

Bà M. lại đưa con ra Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 để chữa bệnh. Khi ra đây, bác sĩ xác định Ng. bị trầm cảm nặng mà gia đình không biết lại đi chữa tâm thần phân liệt.
Hai tuần điều trị, Ng. bớt các triệu chứng kích động. Khi không ngủ, cậu lại hỏi mẹ “khi nào con chết, con muốn về nhà?”. Nghe con nói, bà lại mắng con như đứa trẻ lên ba chưa hiểu chuyện đời, số mệnh. Ngày nào bà cũng hi vọng Ng. sẽ sớm bình phục. Toàn bộ tiền của ông bà tiết kiệm ngày trẻ đều dành vào cắt duyên âm rồi lại cúng trừ ma ám cho Ng. hết. Chia tay chúng tôi, bà M. thở dài “nếu quay lại 5 năm trước, tôi chẳng ép con lấy vợ làm gì. Giờ 37 tuổi rồi mà như trẻ lên 3 thế này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Infonet ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN