Hậu quả nặng nề của căn bệnh 90% người không biết mình mắc

Sự kiện: Bệnh gan

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Virus viêm gan như một kẻ giết người thầm lặng, tấn công tế bào gan gây tổn thương gan cấp và mạn tính, để lại hậu quả rất nặng nề. Trong số đó có đến 90% số người chưa được phát hiện và điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc quản lý, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.

Hậu quả nặng nề của căn bệnh 90% người không biết mình mắc - 1

Hiện nay chưa có vaccine phòng viêm gan C, vì vậy người dân cần phòng tránh bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm. Ảnh minh họa

90% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho nhiều bệnh nhân viêm gan C. Bệnh nhân P.C.N (64 tuổi, ở Hải Dương) chỉ “vô tình” phát hiện viêm gan C khi đến bệnh viện thay khớp háng. Còn bệnh nhân P.Q.T (40 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) chỉ phát hiện viêm gan khi đã xuất hiện các triệu chứng của viêm gan mạn tính như mệt mỏi tăng dần, da và mắt vàng, phù hai chân…. Sau hơn 1 tuần nằm điều trị, tình trạng sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), Việt Nam có khoảng 1 triệu người bị viêm gan virus C nhưng số người được phát hiện chỉ khoảng 100.000 người, tức là khoảng 10%. Nguyên nhân là do bệnh này tiến triển rất âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu. Khi phát hiện ra thường là quá muộn hoặc do tình cờ làm xét nghiệm. Do đó việc sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh là rất quan trọng.

Viêm gan virus C lây qua đường máu, các dụng cụ tiêm chích hay dụng cụ thực hành y tế, quan hệ tình dục không an toàn… PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, virus viêm gan như một kẻ giết người thầm lặng, gây hậu quả rất nặng nề. Virus viêm gan tấn công tế bào gan gây tổn thương gan cấp và mạn tính. Virus này có thể sống ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 1- 6 tháng sau phơi nhiễm, virus có thể được phát hiện 30 - 60 ngày sau khi nhiễm.

Ước tính sau khoảng 10 - 20 năm người nhiễm virus viêm gan C có thể tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan. Đây là gánh nặng lớn nhất mà viêm gan C gây ra cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Do đó việc phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ là vô cùng quan trọng.

Chưa có vaccine, người dân phải tự chủ động phòng tránh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, khoảng 5 năm về trước, chi phí điều trị cho bệnh nhân viêm gan C rất tốn kém và lâu dài. Một liệu trình điều trị kéo dài hàng năm và chi phí lên tới khoảng 200 triệu đồng, với nhiều tác dụng phụ của thuốc đi kèm, hơn nữa tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt khoảng 40%.

Gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tổng thời gian điều trị khoảng 3 tháng, ngày uống 1 viên, chi phí cho cả liệu trình chỉ khoảng 30 triệu đồng. Đó là một trong những tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại. Tuy nhiên số người tiếp cận được điều trị cũng còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% số bệnh nhân viêm gan C được phát hiện.

Một vấn đề khó khăn nữa hiện nay đó là loại thuốc mới này chưa được bảo hiểm y tế chi trả. “Vừa qua, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi. Tuy nhiên việc nâng cao nhận thức để người dân chủ động đi khám sàng lọc phát hiện sớm viêm gan C trong cộng đồng cũng sẽ góp phần quan trọng để quản lý và điều trị viêm gan hiệu quả”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Viêm gan virus C lây qua đường máu, tuy nhiên hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần phòng tránh bệnh chủ động bằng cách: Hạn chế tối thiểu việc tiêm chích không cần thiết và không an toàn; thực hiện truyền máu và các sản phẩm máu cũng như thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, tránh sử dụng ma túy có dùng chung dụng cụ tiêm chích; tránh quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus viêm gan C…

Việc khám sức khỏe tổng quát hiện nay cần có thêm chỉ định xét nghiệm viêm gan C. Tuy số người nhiễm viêm gan C ở Việt Nam thấp hơn so với người viêm gan B nhưng việc sàng lọc và chẩn đoán sớm là rất quan trọng, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao như: đã từng xăm trổ, nghiện hút ma túy, có HIV, quan hệ tình dục không an toàn… Việc tăng cường phát hiện sớm sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý và điều trị vì viêm gan C là một trong những bệnh lây nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam vẫn là một trong những nước có số người bị mắc và tử vong do viêm gan rất cao. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân tử vong liên quan đến viêm gan virus đứng hàng thứ ba trong số các bệnh truyền nhiễm.

Việt Nam hiện là một trong 9 nước khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B và C cao trong quần thể dân cư và chịu nhiều hậu quả nặng nề do nhiễm viêm gan virus. Viêm gan virus B, C là nguyên nhân gây xơ gan, ung thư gan hàng đầu.

Phải xin về chờ chết vì dùng thuốc nam chữa viêm gan B

Không ít người bị bệnh gan bỏ điều trị, tự ý dùng thuốc nam theo lời đồn thổi và cuối cùng là xin về chờ chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Thanh ([Tên nguồn])
Bệnh gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN