Hà Nội: Nguy cơ dịch chồng dịch

Dịch sởi tại Hà Nội vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả...vẫn rất lớn.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời điểm mùa hè, nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả...

Ông Hạnh cho biết, dịch tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Với bệnh sốt xuất huyết thì diễn biến rất khó lường vì phụ thuộc vào yếu tố khí hậu. Các cơ quan y tế không thể dự đoán dịch sẽ bùng phát lúc nào vì đường lây truyền của bệnh chính là muỗi.

Theo thống kê, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng với 2 ca tử vong. Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 4-5, thành phố ghi nhận 192 trường hợp mắc, chưa ghi nhận ca tử vong. Về sốt xuất huyết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội ghi nhận 37 ca bệnh, không có ca tử vong.

Về tình hình dịch sởi trên địa bàn, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tính đến ngày 4/5 Hà Nội có đã 4.039 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, với 1.500 trường hợp dương tính với sởi, phân bổ rải rác ở 538 xã phường ở 30 quận huyện.

Hà Nội: Nguy cơ dịch chồng dịch - 1

Phụ huynh xếp hàng đợi cho con tiêm ở trạm y tế phường Yên Hoà (Cầu Giấy,HN)

Theo ông Cảm, ở Hà Nội, dịch sởi xảy ra trên diện rộng, nhưng không xuất hiện tình trạng ổ dịch tập trung mà chỉ rải rác, mỗi phường xã từ 3- 4 bệnh nhân mắc sởi.

Tuy nhiên trước thắc mắc của dư luận về việc Hà Nội chiếm khoảng 50% ca tử vong và gần 30% so ca mắc sởi của cả nước, ông Cảm cho rằng, dịch sởi không bất thường vì không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippiens... với số mắc tăng cao.

Tuy nhiên, số bệnh nhân tử vong do sởi ở Hà Nội chiếm tỷ lệ cao là do công tác phân tuyến điều trị cho bệnh nhân chưa tốt. Hầu hết bệnh nhân bỏ qua cơ sở khám chữa bệnh ban đầu mà lên thẳng tuyến trung ương, dẫn tới lây nhiễm chéo và quá tải.

Hiện, các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn khoảng 10 bệnh nhân của Hà Nội đang trong tình trạng nặng, phải thở máy, nguy cơ tử vong do sởi vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Từ ngày 12/5/2014, Hà Nội bắt đầu thực hiện tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi ở các địa bàn trên toàn thành phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã thực hiện việc tiêm vắc xin sởi kép gồm: Sởi, quai bị, rubella cho khoảng gần 50.000 trường hợp.

Hiện vắc xin sởi trong tiêm chủng mở rộng hiện đã đủ, còn sởi dịch vụ thì chỉ thiếu trong một thời gian ngắn trong quá trình thẩm định, còn hiện tại đã đủ, không thừa.

(Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN