Hà Nội: Người đàn ông bán thịt nhập viện vì nhiễm liên cầu lợn

Một ngày sau khi xuất hiện sốt cao (39-40 độ C), người mệt mỏi, yếu nửa người phải, bệnh nhân đã nhập viện.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận một nam bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân nam, 59 tuổi (ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông), làm nghề bán thịt lợn. Một ngày sau khi xuất hiện sốt cao (39-40 độ C), người mệt mỏi, yếu nửa người phải, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện 103.

Một trường hợp nhiễm liên cầu lợn. (Ảnh: TQ).

Một trường hợp nhiễm liên cầu lợn. (Ảnh: TQ).

Tại đây, bệnh nhân tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải. Kết quả chụp cắt lớp vi tính não của bệnh nhân phát hiện có hình ảnh nhồi máu não vùng nhân bèo phải. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vi khuẩn liên cầu lợn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác lợn và cả những con ruồi, nhặng trong một thời gian dài. Vi khuẩn còn phân lập được ở bò, dê, cừu, ngựa khi viêm màng não.

Cách lây truyền của bệnh liên cầu lợn như sau: Vi khuẩn cư trú ở amidal và mũi lợn khoẻ có thể tới 1 năm. Trong một đàn lợn lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng. Lợn con có thể lây nhiễm từ lợn mẹ qua đường hô hấp, tiêu hoá, máu.

Bệnh lây từ lợn sang lợn, nhưng cũng có thể lây sang các gia súc khác như bò, dê, mèo, chó, hươu,…

Người bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, ăn thịt lợn bị bệnh, ăn tiết canh, cũng có thể bị lây qua các vết xước, khuẩn có thể tìm thấy trong máu, dịch não tuỷ của người bệnh.

Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi bằng các loại hoá chất như Phenol, Iốt, hypochlorid, axit phenic 3-5%, formol 5%.

Không mua bán lợn bệnh, người tiêu dùng nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết, phù nề thì không nên ăn vì chắc chắn đó là lợn bị bệnh.

Đặc biệt phải ăn thịt đã nấu chín, không ăn thịt tái hoặc sống; Tuyệt đối không nên ăn thịt lợn ốm, đặc biệt là tiết canh; Không ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc. Người giết mổ, tiêu huỷ lợn phải có biện pháp đề phòng để không lây sang người.

Nguồn: [Link nguồn]

Ăn tiết canh dễ mắc bệnh sán dây lợn?

Có nhiều loại tiết canh, nhưng thói quen ăn tiết canh lợn là một mối nguy hại khó lường bởi vì rất dễ mắc bệnh sán dây lợn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN