GS.TS.Nguyễn Thanh Long lý giải vì sao Bộ Y tế “tung” lực lượng lớn chưa từng có trong tiền lệ

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Chúng ta cần huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất. Đừng nghĩ rằng tình huống này có thể kiểm soát mà phải nghĩ sẽ có tình huống xấu hơn trong tương lai”, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y nhấn mạnh.

Ngày 2/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với Lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Buổi giao ban có thêm sự tham gia của 2 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến lớn, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây. “Mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm”, Quyền Bộ trưởng nói.

GS.TS.Nguyễn Thanh Long lý giải vì sao Bộ Y tế “tung” lực lượng lớn chưa từng có trong tiền lệ - 1

Bộ Y tế đã “tung” một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng.

“Chúng tôi xác định Đà Nẵng, Quảng Nam tuy 2 mà là 1 (do giao lưu, địa lý) nên nguy cơ đối với Đà Nẵng như thế nào thì Quảng Nam cũng như thế. Quảng Nam cũng thuộc nhóm nguy cơ cao, số ca phát hiện ngày càng tăng lên”, GS Long nhấn mạnh. 

Đồng thời Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội... đến tăng cường cho Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa gần 40 chuyên gia, giáo sư của các lĩnh vực vào hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam. Bởi các chuyên gia đánh giá, nguy cơ ở Quảng Nam cũng cao, thực tế là ở tỉnh này ngày càng phát hiện ra nhiều ca nhiễm.

“Vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy”, Quyền Bộ trưởng nói.

Do đó, Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa. Mới đây, Bộ Y tế phối hợp BHXH ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm. Đây là động thái Bộ Y tế mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT. Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị.

“Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó”, Quyền Bộ trưởng cho hay.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương, dù có thể chưa có ca nghi nhiễm, ca nhiễm nhưng phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh thì sẽ triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.

Các cơ sở y tế có ký hợp BHYT đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức (lấy mẫu, gửi về cơ sở có đủ điều kiện...), cơ sở này có thể là nhà nước, tư nhân, khối Y tế dự phòng, quân đội, thú y... Phải mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm.

GS.TS.Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua các đơn vị đã hết sức chủ động trong vấn đề xét nghiệm, thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa. Các Sở Y tế cần tập huấn ngay cho các đơn vị về cách thức lấy mẫu xét nghiệm, phòng lây nhiễm, biện pháp phòng chống dịch.

“Chúng ta cần huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất. Đừng nghĩ rằng tình huống này có thể kiểm soát mà phải nghĩ sẽ có tình huống xấu hơn trong tương lai. Các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều quay lại làn sóng dịch bệnh thứ 2 rất nặng nề”, quyền Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành y cũng đề nghị song song với việc mở rộng xét nghiệm tại các bệnh viện, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát cộng đồng.

Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ TP Hà Nội xét nghiệm cộng đồng song lưu ý làm cả PCR với những trường hợp cần thiết. Tương tự TP HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng cần lưu ý. Các địa phương cần hết sức chủ động về vấn đề xét nghiệm, không đợi trung ương.

Nguồn: [Link nguồn]

Tốc độ lây nhiễm COVID-19 cao gấp 2-3  lần so với trước, Bộ Y tế ra công điện khẩn

Bộ Y tế vừa có công điện khẩn yêu cầu TPHCM, Hà Nội, Quảng Nam tăng tốc truy vết người về từ Đà Nẵng (từ 1 - 28/7/2020)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN