Ghép tủy xương tự thân tránh tàn phế

Phẫu thuật kết hợp xương bên trong ghép tủy xương tự thân và xương nhân tạo giúp bệnh nhân phục hồi một cách vững chắc.

Từ 2 - 5% bệnh nhân sau điều trị gãy thân xương dài, xương không liền tạo thành các khớp giả gây tàn phế.

Ghép tủy xương tự thân tránh tàn phế - 1

Một ca ghép tủy xương điều trị chân tàn phế.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (50 tuổi) bị tai nạn giao thông gẫy cẳng xương đùi phải đã được phẫu thuật, bó bột nhưng xương không liền, hở và cong vẹo. Bệnh nhân đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để nạo viêm, lấy xương chết do nhiễm trùng, viêm rò. Bác sĩ đã tiến hành kết hợp xương bên trong đồng thời với ghép tủy xương tự thân và xương nhân. Sau 5 tháng xương liền và bệnh nhân đi đứng bình thường.

Khớp giả là một di chứng thường gặp trong điều trị gẫy xương, do những nguyên nhân sinh học và cơ học khác nhau. Bệnh chiếm tỷ lệ từ 2 - 5% ở các bệnh nhân sau gãy xương đã được điều trị mổ kết xương hoặc bó bột, bó thuốc Nam... nhưng sau 6 tháng bệnh nhân vẫn không đi đứng hay vận động cánh tay, cẳng tay, chân được. Chụp phim X-quang kiểm tra thấy ổ gãy xương chưa liền, đó là khớp giả. Nếu không điều trị bệnh nhân sẽ tàn phế.

Trước đây, điều trị thường kết hợp xương vững chắc phối hợp với ghép xương để đạt được hai nguyên tắc cơ bản là cố định tốt ổ khớp giả và kích thích liền xương. Để kích thích liền xương, ghép xương xốp tự thân là tiêu chuẩn vàng tuy nhiên có thể để lại những di chứng nơi lấy xương như đau, nhiễm khuẩn, tổn thương thần kinh; thời gian gây mê dài và không đủ chất liệu trong các huyết hổng lớn, để lại sẹo; các xương nhân tạo thay thế lại thiếu tế bào xương. Tủy xương tự thân có nguồn tế bào gốc và tiền thân tạo xương dồi dào.

Vì vậy, phương pháp ghép hỗn hợp tủy xương tự thân và xương nhân tạo là phương pháp mới mang lại nhiều ưu điểm.

Sau khi chuẩn bị xương nhân tạo có dạng hạt xốp cấu trúc rỗng, có tính dẫn xương, tạo môi trường thuận lợi cho các tế bào xương phát triển, bệnh nhân được vô cảm đặt ở tư thế nằm ngửa. Phẫu thuật thực hiện bộc lộ ổ khớp giả, tháo dụng cụ kết hợp xương cũ nếu có và không đủ vững, lấy hết xơ ổ khớp giả và làm mới ổ gẫy, thông ống tủy. Kết hợp xương ổ gẫy bằng phương tiện kết hợp xương bên trong, nẹp vít, đinh nội tủy có chốt hoặc không có chốt tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Tiếp tục ghép xương nhân tạo vào ổ khuyết và tiến hành ghép tủy xương tự thân: Dùng xương chọc tủy đường kính 2.0mm, chọc vào cánh chậu qua gai chậu trước trên lấy 15 - 30ml máu tủy xương bơm vào ổ khuyết xương đã được ghép xương nhân tạo. Sau 2 - 3 ngày mổ bệnh nhân được tập các khớp lân cận sớm nhất, sau đó tập đứng và đi lại sớm có trợ đỡ và đi lại bình thường sau 8,3 tuần để thúc đẩy quá trình liền xương. Thời gian liền xương trung bình là 6,6 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - BS Vũ Văn Khoa (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN