Diễn biến ca ghép gan đầu tiên tại TPHCM

Như đưa tin, ngày 12-10 ca phẫu thuật ghép gan ở người lớn đầu tiên tại khu vực phía Nam đang được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Bệnh nhân là bà C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị suy gan gần 10 năm nay. Người hiến gan là con trai ruột (22 tuổi) của bà Đ - sinh viên năm 4 trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM.

Ê kíp ghép gan gồm 37 người, trong đó 11 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc). Trong ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, TS-BS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc bệnh viện cũng có mặt trực tiếp chỉ đạo phòng mổ.

Diễn biến ca ghép gan đầu tiên tại TPHCM - 1

Các bác sĩ đang tiến hành lấy gan của người cho

- 6 giờ 30: Cả hai mẹ con được đưa vào phòng mổ. Người mẹ vào phòng cắt bỏ gan hư, người con được đưa vào nơi chuẩn bị lấy gan.

- 7 giờ: Tiến hành gây mê.

- 8 giờ 30: Các bác sĩ rạch đường dao đầu tiên. Quá trình phẫu thuật diễn ra đồng thời ở 2 phòng mổ: Bên hiến gan và bên cắt bỏ gan hư.

Theo PGS-TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong ca phẫu thuật này ê kíp đã sử dụng thiết bị mới là dao Cusa để phẫu thuật. Thiết bị có nguyên lý hoạt động vừa là dao mổ điện, vừa là dụng cụ để hút mô. Ưu điểm của thiết bị mới này là giảm chảy máu, ít làm tổn thương mô lành xung quanh và rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Diễn biến ca ghép gan đầu tiên tại TPHCM - 2

Bên ngoài, mọi người chăm chú dõi theo ca ghép gan qua màn ảnh

- 9 giờ - 10 giờ: Các bác sĩ tỉ mẩn tách từng milimet gan người cho, máu chảy không nhiều nhờ thiết bị dao cắt nói trên. Công đoạn phẫu thuật diễn ra trong trạng thái khẩn trương nhưng cẩn trọng tuyệt đối.
 
Bên ngoài hội trường, hàng chục bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang chăm chú theo dõi ca phẫu thuật qua màn hình. Thỉnh thoảng, bác sĩ Trần Minh Trường đề nghị kiểm tra thiết bị máy móc phòng mổ trong quá trình phẫu thuật.

Diễn biến ca ghép gan đầu tiên tại TPHCM - 3

Theo dõi ca phẫu thuật qua màn hình

- 11 giờ: Công đoạn phẫu thuật đang được khẩn trương. Các bác sĩ dò soát từng mạch máu trong lá gan bệnh nhân. Theo kịch bản, quá trình lấy gan người cho sẽ được thực hiện nhanh hơn để rửa lại và ghép cho người nhận.
 
- 11 giờ 30: Các bác sĩ đã thực hiện xong phần lấy gan người cho.
 
Theo dự kiến ban đầu, ca mổ sẽ kéo dài trong vòng 12 giờ. Ca ghép gan người lớn đầu tiên ở phía Nam được thực hiện sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy chọn bệnh nhân thực hiện đề tài "Ghép gan từ người cho gan còn sống". Được biết, toàn bộ chi phí ca mổ 1 tỉ đồng sẽ do Bộ Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ.
 
Đến trưa nay, tình hình người cho và người nhận gan vẫn ổn định, tiên lượng thành công cao. Sau khi hoàn thành xong ca ghép gan đầu tiên từ người hiến tặng còn sống, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiến hành ghép gan với người cho bị chết não.

Diễn biến ca ghép gan đầu tiên tại TPHCM - 4

Dù giờ nghỉ trưa, nhưng ê kíp phẫu thuật vẫn không ngơi tay

Dù là giờ nghỉ trưa nhưng ê kíp phẫu thuật vẫn tập trung cao độ vào công việc của mình. Bên ngoài hội trường, rất nhiều bác sĩ Khoa Ngoại Gan - Mật - Tuỵ, Trung tâm Ung bướu… vẫn chăm chú theo dõi ca mổ qua màn hình.

13 giờ 30: Một phát hiện bất ngờ trong quá trình phẫu thuật là người mẹ này có 3 lá lách (người bình thường 2 lá). Do biến chứng xơ gan quá nặng, các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ một lá lách của người nhận, đồng thời đường mật cũng được nối trực tiếp vào đường mật ruột thay vì nối với nhau.

14 giờ - 15 giờ: Ê kíp mổ vẫn tiếp tục dò thám sát sao từng mạch máu ở phần gan người mẹ. Lá gan vẫn chưa được tách rời. Thời gian phẫu thuật tách gan người nhận kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. Do lớp mỡ bao phủ gan quá dày nên các bác sĩ phải tiến hành phẫu tích.

Bác sĩ Trần Minh Thông - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết dự tính ban đầu ca mổ sẽ mất nhiều máu. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 100 đơn vị máu nhưng đến thời điểm này chỉ mới sử dụng 6 đơn vị máu. Riêng người cho gan không mất máu trong quá trình phẫu thuật.

15 giờ 40: Các bác sĩ phẫu tích tĩnh mạch gan phải, tĩnh mạch cửa, động mạch cửa gan cho người mẹ. Riêng gan người con đã bóc tách nhưng chưa rời hẳn mà còn động mạch nuôi.

Trong vòng 30 phút nữa, phần gan người cho sẽ đem đi rửa, sau đó đưa vào ổ bụng người mẹ. Khâu gắn ráp này phải đảm bảo tiến hành nhanh để khỏi gây tổn thương gan mới.

Theo đánh giá của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, tay nghề của các đồng nghiệp của Hàn Quốc rất chuẩn xác, không gây chảy máu.
Các nhân viên điều dưỡng, y tá, sinh viên ĐH Y Dược theo dõi ca mổ
 
Do không có điều kiện theo dõi trực tiếp, các nhân viên y tế, điều dưỡng háo hức theo dõi qua Báo Người Lao Động Online trước sự kiện đặc biệt đang diễn ra tại bệnh viện mình. Ngoài hội trường, hàng chục sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược TPHCM cũng đến theo dõi ca mổ và học nghề.

Các bác sĩ cho biết dự kiến ca phẫu thuật ghép gan sẽ kéo dài đến 22 giờ, lâu hơn dự định ban đầu 2 tiếng. Riêng người cho sau khi lấy phần gan xong sẽ được hậu phẫu sớm. Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi chức năng gan, bài tiết mật, tuần hoàn.
 
- 17 giờ: Các bác sĩ bắt đầu ghép phần gan người con hiến tặng vào cơ thể người mẹ. Công đoạn ghép nối đang diễn ra khẩn trương nhưng cũng rất cẩn thận, tỉ mẩn. Với tiến độ này, các bác sĩ cho rằng ca phẫu thuật sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ 21 giờ - 22 giờ.
 
- Đến hơn 21 giờ, các công đoạn cuối cùng của ca ghép gan đã hoàn tất. Các bác sĩ đã tiến hành đóng ổ bụng của bệnh nhân.
 
TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết về mặt phẫu thuật, ca ghép gan đã thành công. Bệnh nhân sẽ còn được hậu phẫu, theo dõi, điều trị trong thời gian dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ng.Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN