Dịch Sars ở Việt Nam: 10 năm nhìn lại

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người tử vong - con số khiến bất cứ ai cũng giật mình...

Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng Việt Nam đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Chiến công đó thuộc về những người thầy thuốc, nhiều người trong số họ đã  phải hy sinh cả sự sống của mình.

SARS - Nỗi ám ảnh toàn nhân loại

SARS xuất hiện tại Trung Quốc khi một bệnh nhân đầu tiên được phát hiện tại thành phố Foshan, tỉnh Quảng Đông ngày 16/11/2002. Ngày 26/3/2003, Trung Quốc chính thức thông báo có dịch. Tổng cộng Trung Quốc có 5.327 người mắc, trong đó có 349 người chết... Tiếp sau đó, SARS lây lan sang Hồng Kông, Đài Loan, Canada, Singapore... SARS đến Việt Nam từ một thương nhân gốc Hoa tên Johnie Chun Cheng. Ngày 23/2/2003, ông Chun Cheng đến BV Việt - Pháp khám với các triệu chứng giống như cúm nhưng diễn biến rất lạ, có sốt, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ của BV Việt - Pháp điều trị cho bệnh nhân như với bệnh cúm thông thường.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông diễn biến xấu đi rất nhanh, gia đình đưa ông về nước ngày 26/2/2003, Chun Cheng trở thành bệnh nhân SARS đầu tiên tại Việt Nam... Sau khi bệnh nhân về nước, BV Việt - Pháp có 5 y tá xuất hiện các triệu chứng giống ông Chun Cheng. Y tá Nguyễn Thị Lượng của bệnh viện là người đầu tiên ra đi vì căn bệnh này. Những ngày sau đó, số người mắc không ngừng tăng, vài ngày lại có thêm một bệnh nhân tử vong. Đến lúc này, SARS đã lây ra 32 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 8.000 ca mắc, trong đó có 916 người tử vong.  Ngày 26/2/2003, BS. Carlo Urbani (người Italia), chuyên gia truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới được mời đến BV Việt - Pháp (Hà Nội), khám cho bệnh nhân viêm phổi...

Bằng sự nhạy bén của một chuyên gia về các bệnh nhiễm khuẩn và của một thầy thuốc về y tế công cộng, BS. Carlo Urbani nhận ra rằng, đây là một loại bệnh dịch mới, nguy hiểm và rất dễ lây lan. Mặc dù đã nhận được những cảnh báo nguy hiểm, nhưng BS. Carlo Urbani đã không quản ngại, hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại BV cùng các bác sĩ, y tá thăm khám bệnh nhân và  BS. Carlo Ubani cũng đã ra đi mãi mãi vì nhiễm SARS vào ngày 29/3/2003. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới nói chung và y học Việt Nam nói riêng xuất hiện một loại bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng, diễn biến rất phức tạp, gây suy hô hấp cấp và dẫn tới tử vong. Đặc biệt hơn, khác với một số dịch bệnh truyền nhiễm trước đây, SARS không chỉ gây dịch ở cộng đồng mà còn gây dịch ngay trong bệnh viện cho cán bộ y tế - những người trực tiếp điều trị người bệnh. Trong số 63 bệnh nhân SARS thì quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, trong đó có những người đã phải hy sinh mạng sống của mình như BS. Carlo Urbani và 5 bác sĩ, y tá của BV Việt - Pháp.

Dịch Sars ở Việt Nam: 10 năm nhìn lại - 1

Điều trị cho bệnh nhân SARS tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là BV Bệnh nhiệt đới) năm 2003. Ảnh: BV Bệnh nhiệt đới

Cuộc chiến chống SARS và những kinh nghiệm quý

Trong bối cảnh cả thế giới cùng chung sức dành hết tâm huyết cho công cuộc phòng chống bệnh SARS, Việt Nam cũng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Với sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Y tế và bằng tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành y tế, chỉ sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam đã được WHO ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Đây là niềm vui chung của toàn thể người dân trong nước cũng như trên toàn thế giới.

WHO đã đánh giá về thành công của Việt Nam rằng: “Kinh nghiệm phòng chống SARS ở Việt Nam cho thấy, sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới làm thế nào một nước đang phát triển bị một dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng tấn công đã chiến thắng bệnh tật”. Thực tế cho thấy, ngay khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, bệnh nhân đã được cách ly và điều trị; nhân viên được cung cấp thiết bị phòng hộ; bệnh nhân và nhân viên y tế trong các bệnh viện có người mắc SARS được cách ly hoàn toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động công bố dịch và chia sẻ thông tin, nhờ đó đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức quốc tế, WHO...

GS. Hoàng Thủy Long, nguyên Giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ TW, khi ấy là Phó ban Phòng chống dịch bệnh hô hấp, Việt Nam khống chế tốt dịch một phần do có mạng lưới y tế dự phòng tốt, cộng với việc điều trị tích cực hiệu quả... Câu chuyện cách đây 10 năm về căn bệnh mới tạo thành dịch khiến cả nhân loại kinh hoàng càng trở nên có ý nghĩa hơn khi mà tại Trung Quốc cũng đang xuất hiện một chủng virut cúm A/H7N9 gây chết người. Việc khống chế thành công dịch Sars đã cho những kinh nghiệm quý trong việc ứng phó với những bệnh lạ mới phát sinh từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời.

Điều đó được thể hiện ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đang có nguy cơ cao lây lan dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Chính phủ, Bộ Y tế đã có những quyết sách chỉ đạo kịp thời, quyết liệt như khởi động hệ thống phòng dịch từ sân bay, cửa khẩu; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, giường bệnh, cơ sở điều trị lường trước các tình huống dịch có thể xảy ra để ứng phó kịp thời... Quan trọng hơn, đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị đã “sẵn sàng” chống cúm như lời của Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW - TS. Nguyễn Văn Kính: “Trải qua cuộc chiến chống dịch SARS, các cán bộ nhân viên y tế của BV đã chuẩn bị cho mình tâm lý rất thoải mái và luôn “sẵn sàng” chống cúm A/H7N9”.

Tại lễ tưởng nhớ BS. Carlo Urbani, 10 năm sau dịch SARS (2003 - 2013), cả hội trường đã lặng người xúc động khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lòng biết ơn với các cán bộ y tế đã hy sinh cả đời mình cho khoa học, cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân: “Chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại vào những ngày tháng cách đây 10 năm, khi những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng không rõ nguyên nhân bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc và lan đến Việt Nam. Tại thời điểm đó, mọi người vẫn chưa biết bệnh do nguyên nhân gì, tuy nhiên với những triệu chứng diễn biến nhanh và nặng đã làm cho nhiều người lo sợ. Mặc dù đã nhận được những cảnh báo nguy hiểm.

BS. Carlo Urbani với tình yêu thương vô bờ dành cho con người, hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại BV cùng các bác sĩ, y tá thăm khám bệnh nhân đầu tiên và những người bị lây sau đó”. BS. Carlo Urbani là người có công rất lớn góp phần vào sự thành công trong việc đẩy lùi dịch SARS ở Việt Nam.           

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hồng (Sức khoẻ & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN