Dấu hiệu căn bệnh có thể gây đột tử và để lại di chứng lâu dài cho trẻ

Sự kiện: Bệnh tim mạch

Nhịp tim nhanh là nguyên nhân đột tử và di chứng lâu dài nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu một bệnh nhi sơ sinh 11 ngày tuổi với chẩn đoán ban đầu là cơn nhịp nhanh.

Khi nhập viện, bệnh nhi đã được điều trị nội khoa bằng các thuốc cắt cơn nhịp nhanh nhưng không đáp ứng, tình trạng bệnh nhi suy tim nặng lên do chưa khống chế được cơn nhịp nhanh.

Các bác sĩ đang thực hiện can thiệp bằng phương pháp triệt đốt cấp cứu nhịp tim nhanh.

Các bác sĩ đang thực hiện can thiệp bằng phương pháp triệt đốt cấp cứu nhịp tim nhanh.

Vì thế, can thiệp bằng phương pháp triệt đốt cấp cứu nhịp tim nhanh bằng năng lượng sóng tần số radio đã được lựa chọn. Thủ thuật triệt đốt diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ do các bác sĩ Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện đã kịp thời cứu tính mạng đứa trẻ với chứng rối loạn nhịp tim chỉ 4/1000 trẻ mới gặp.

TS.BS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám và chẩn đoán các bệnh tim mạch, Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tiếp nhận cuộc gọi của các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh do biểu hiện da tái, thở nhanh, bỏ bú và thể trạng mệt mỏi.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, cháu được các bác sĩ phát hiện có cơn tim nhanh, tần số 295 lần/phút. Trước diễn biến đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng hội chẩn với các đồng nghiệp tuyến trên để đưa ra phương án xử trí. Sau cuộc hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra chỉ định chuyển bệnh nhi lên bệnh viện tuyến Trung ương để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Đến nay, các chỉ số sinh tồn của bé ổn định, nhịp tim đều 110 lần/ phút, huyết áp 110/60. Các dấu hiệu huyết động ổn định, Bệnh nhi được cai máy thở và bỏ máy thở sau 1 ngày thở máy.

Theo TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp hay gặp ở trẻ em. Cơn nhịp tim nhanh kịch phát có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài.

TS.BS Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, có thể gây gây giãn, suy giảm chức năng thất trái nặng và thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.

Theo thống kê của Trung tâm tim mạch trẻ em, cho đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ mắc chứng rối loạn nhịp với tỉ lệ thành công cao từ 90-95%, đặc biệt, ca bệnh nhỏ tuổi nhất là trường hợp bé sơ sinh mới chỉ 4 ngày tuổi.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu không muốn bị bệnh tim mạch nên hạn chế ăn thực phẩm này

Gan động vật, gà rán, lòng đỏ trứng,…là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tim mạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN