Con chết sau đêm sinh nhật 10 tuổi chỉ vì quên một mũi tiêm

Nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ con mắc đái tháo đường type 1 buộc phải nhịn ăn hoặc chỉ tiêm insulin sau bữa ăn. Điều này khiến trẻ dễ bị hạ đường huyết, có thể dẫn đến tử vong…

Chết sau đêm sinh nhật 10 tuổi

GS. TS Tạ Văn Bình,Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam kể lại, trong quá trình hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông từng chứng kiến những ca tử vong thương tâm ngay tại Hà Nội.

Trong đó ám ảnh ông nhất là trường hợp một cháu bé, mới tối hôm trước cả nhà còn tổ chức sinh nhật cho cháu tròn 10 tuổi, ấy vậy mà sáng hôm sau khi bố mẹ vào phòng đánh thức con đã thấy người lạnh ngắt tự bao giờ. Đưa đến viện thì đã không kịp nữa.

Con chết sau đêm sinh nhật 10 tuổi chỉ vì quên một mũi tiêm - 1

GS Tạ Văn Bình

Nguyên nhân cái chết này, theo GS Bình là do sự thiếu hiểu biết của gia đình. Trước đó 3 tháng, tự nhiên thấy cháu sụt cân rất nhanh mặc dù ăn rất tốt nên bố mẹ cháu đã đưa đi khám và được kết luận bị đái tháo đường type 1. Cháu đã được kê đơn tiêm insulin hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp nên sức khỏe của cháu được hồi phục rất nhanh.

Tuy nhiên, tối đó cả nhà tổ chức tiệc mặn rồi lại tiệc ngọt mừng sinh nhật nên không tiêm insulin trước bữa ăn cho con. Sau khi khách khứa về hết, khoảng 10h tối bố mẹ mới tiêm rồi để cháu ngủ một mình.

"Nhiều người cứ bắt bệnh nhân nhịn ăn hoặc trì hoãn việc tiêm insulin đến đêm sau khi trẻ đi ăn cỗ. Việc này rất nguy hiểm vì nhịn ăn sẽ không đủ năng lượng để hoạt động và phát triển; đồng thời, tiêm insulin vào buổi đêm dễ khiến bệnh nhân bị hạ đường huyết, có thể dẫn đến tử vong. Và trường hợp cháu bé trên là một ví dụ điển hình"- GS Bình nhấn mạnh.

Theo GS Bình, đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai.

Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Đái tháo đường có 2 thể: type 1 và type 2.

Trên thực tế, đái tháo đường type 2 được quan tâm, chú trọng nhiều hơn đái tháo đường type 1. Trong khi đó, đối tượng mắc đái tháo đường type 1 chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là thực sự là vấn đề đáng báo động.

Cần ăn đủ chất dinh dưỡng

“Nếu như đái tháo đường type 2 có khả năng dự phòng, ngăn ngừa thì đái tháo đường type 1 ngược lại. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc, điều trị đúng thì khi trẻ mắc đái tháo đường type 1 lớn lên sẽ hoạt động tốt, sống và đóng góp cho xã hội bình thường ” – GS Bình nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho biết, đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn, có thể dự phòng bằng cách thay đổi môi trường sống, lối sống, ngăn ngừa stress. Nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1 thì cần quan tâm hơn vì hầu hết những trẻ nhỏ mắc nếu không được kiểm soát, điều trị tốt có thể dẫn đến mắc đái tháo đường type 2 trong tương lai. Hoặc có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hôn mê thậm chí tử vong. Đây là bệnh tự miễn, khó biết trước nên không thể dự phòng. Ở nước ta đã có những trẻ mắc đái tháo đường type 1 khi mới 5- 6 tuổi.

GS.Bình cho biết thêm, mặc dù bệnh không được báo trước nhưng phụ huynh có thể căn cứ vào một số dấu hiệu điển hình nếu con mình mắc phải như: đột ngột ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều nhưng sụt cân rất nhanh mặc dù trước đó lúc sinh ra trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Lúc này, bố mẹ cần khẩn trương đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ có những dấu hiệu này kéo dài trong vòng 15-20 ngày khi đi khám có thể phát hiện được bệnh.

Mặc dù cho đến thời điểm này, chưa có một bằng chứng nào cho thấy bệnh đái tháo đường type 1 dự phòng được nhưng GS Bình cho rằng, chế độ ăn uống cho những bệnh nhân này cần đủ nhóm chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất phù phù hợp.

“Tuyệt đối không bắt bệnh nhân nhịn ăn. Chế độ ăn uống cần đảm bảo đủ năng lượng để hoạt động; có chế độ luyện tập phù hợp. Đặc biệt nếu trẻ dưới 15 tuổi mắc cần điều trị insulin ngay và dùng vào trước bữa ăn” – GS Bình nói.

Với mong muốn cung cấp cho người dân những kiến thức thiết yếu chăm sóc trẻ đái tháo đường type 1, Hội Người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức Insulin for life quốc tế tổ chức Trại hè đái tháo đường (từ 26/6- 28/6) cho khoảng 30-50 trên khắp cả nước.

Tất cả các chi phí đi lại, ăn ở đều được miễn phí. GS Bình kỳ vọng, sau trại hè này, những trẻ được tham gia sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân, biết tự kiểm soát bệnh và có thể tự tiêm insulin mà không phải phụ thuộc vào bố mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Huyền (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN