Co giật sau bát rượu pha tiết rắn hổ mang

Vì muốn thưởng thức màn cắt tiết rắn và nhâm nhi rượu hòa tiết tại bàn, ông Nguyễn Văn K. đã phải nhập viện vì nhiễm ký sinh trùng.

Co giật sau bát rượu pha tiết rắn hổ mang - 1

Rượu huyết không bổ như bạn nghĩ

Co giật sau bát rượu tiết rắn

Sau khi điều trị khỏi bệnh, gia đình ông Nguyễn Văn K. trú tại Thường Tín, Hà Nội vẫn chưa hết ám ảnh vì con rắn độc ngày hôm đó. Gia đình ông K. và các cháu bắt được một con rắn trong lúc phá vườn chuối. Vì là rắn hổ mang nên mọi người bàn nhau làm thịt để thưởng thức.

Con rắn to như cổ tay, sau khi được rút bỏ nọc độc, ông và mọi người cắt tiết con rắn cho vào rượu để uống hi vọng bồi bổ sức khoẻ. Khi cắt tiết con rắn ra, ông K. bê cả bát rượu và uống vì nghĩ các cháu còn trẻ chưa đến tuổi uống rượu rắn. 

Bốn ngày sau, ông K bắt đầu có hiện tượng co giật, người tím tái. Lúc này người nhà vẫn không biết ông bị bệnh gì nên đưa thẳng vào Bệnh viện Thương Tín cấp cứu, bác sĩ nghi ngờ bị não nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bị viêm não nhưng khi kiểm tra phát hiện đó là do sán chui lên não. Sán từ rượu rắn đã đi vào mạch máu rồi chui lên đến não.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn trú tại Hải Phòng tâm sự, mỗi lần lên Hà Nội chơi, anh lại được các chiến hữu đưa đến Lệ Mật để thưởng thức các món từ rắn. Trong các bữa tiệc đó không bao giờ thiếu món huyết rắn pha rượu.

Theo anh Tuấn, nếu ăn thịt rắn mà bỏ qua món này thì coi như vứt bởi rượu rắn có thể giúp tăng cường sinh lý, bền bỉ chuyện ấy nên hầu như ông nào cũng tận dụng. Sau tiết rắn là đến mật rắn. Màu đỏ của tiết, màu xanh của mật, màu trắng của rượu trắng tạo thành những màu sắc vô cùng hấp dẫn trên bàn tiệc.

Kinh nghiệm ăn thịt rắn của mình, anh Tuấn khẳng định rượu rắn thực sự có tác dụng cho chuyện chăn gối. Lần nào đi ăn về anh cũng thấy người hừng hực khí thế và chắc chắn rằng chuyện chăn gối cải thiện rõ rệt.

Rượu huyết rắn không thể cường dương

Theo bác sĩ Phạm Việt Hoàng – Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học Viện Y học cổ truyền trung ương hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chỉ ra rằng huyết rắn cũng như các loại huyết khác pha rượu có thể giúp tăng cường sinh lực hay chữa bệnh nào.

Bác sĩ Hoàng cho biết có rất nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện vì uống rượu pha huyết rắn, huyết của các loài động vật khác vì bị nhiễm các bệnh từ các loài động vật đó. 

Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như khí carbonic và acid lactic. 

Máu cũng là phương tiện vận chuyển của các tế bào (cả tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể lẫn tế bào bệnh lý) và các chất khác nhau (các amino acid, lipid, hormone) giữa các tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Các rối loạn về thành phần cấu tạo của máu hay ảnh hưởng đến sự tuần hoàn bình thường của nó có thể dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều cơ quan khác nhau. 

Chính vì thế, bác sĩ Hoàng cho biết người ta cứ nghĩ ăn gì bổ đó và ăn máu tươi thì cực bổ nên mới có các kiểu ăn tiết canh, pha rượu với huyết tươi để uống.

Tuy nhiên, máu lại là nơi rất dễ bị phân huỷ và là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút, giun, sán sinh sống, ký sinh. Chưa có nghiên cứu nào cho rằng huyết rắn có thể giúp tăng cường sinh lý.

Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu do pha các loại huyết, ngâm các con vật hay rễ cây… Có bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tụt huyết áp, khó thở, phù não... Không ít trường hợp tử vong hoặc trở thành người ngớ ngẩn vì ngộ độc nặng hoặc nhập viện quá muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN