Thêm 2 người ăn tiết canh, suy đa phủ tạng nguy kịch

Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận 5 trường hợp nhiễm liên cầu lợn, trong đó 2 người suy đa phủ tạng quá nặng đã xin về chờ chết.

Trao đổi với phóng viên sáng 7/7, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 3 ngày đầu tháng 7 (từ 3-5/7), bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh.

Thêm 2 người ăn tiết canh, suy đa phủ tạng nguy kịch - 1

Bệnh nhân ăn tiết canh điều trị tại bệnh viện

Cả 5 trường hợp đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề.

“Đặc biệt, trong 5 người này, có 2 người bệnh diễn biến nặng, suy đa phủ tạng tiên lượng rất khó khăn nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về”, bác sĩ Cấp cho hay.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân Bùi Xuân H (55 tuổi, Hòa Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 4/7 trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng.

Trước 3 ngày biểu hiện bệnh, ông H. ăn tiết canh làm từ thịt lợn nhà, chỉ sau 1 ngày sốt bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện nhiều ban hoại tử ở vùng mặt, vùng tai, tay, chân.. Sau 1 ngày điều trị gia đình đã xin cho bệnh nhân về vì diễn biến quá nặng.

Thêm 2 người ăn tiết canh, suy đa phủ tạng nguy kịch - 2


Tổn thương do ăn tiết canh

Trường hợp khác, bệnh nhân Trịnh Văn T (40 tuổi, Ninh Bình) làm nghề thợ xây, có tiền sử nghiện rượu và hay ăn lòng lợn tiết canh. Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong ngày 4/7 trong tình trạng nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn.

Tương tự bệnh nhân H, ông T, cũng chỉ sau 1 ngày nhập viện gia đình xin về do hôn mê sâu, suy đa phủ tặng, tiên lượng tử vong cao.

Trong dịp cuối tuần cũng có thêm 3 bệnh nhân khác từ Thái Bình, Nam Hà cũng bị nhiễm trùng máu do liên cầu lợn nhưng đã may mắn được điều trị qua được giai đoạn nguy hiểm và đang hồi phục 

Trước đó 3 tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh lợn và có 5 người tử vong.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, do thói quen của người dân ở địa phương thường mổ lợn và làm tiết canh. Thói quen này tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu.

Liên cầu lợn là vi khuẩn có thể có trong hầu, họng, da, đường tiêu hóa và sinh dục của một số lợn lành, thường gặp hơn ở lợn bệnh (trong các vụ dịch lợn tai xanh). Thói quen ăn tiết canh hay những món chưa nấu chín như lòng, tràng luộc tái có thể khiến người ăn nhiễm liên cầu lợn, đặc biệt ở những cơ địa suy giảm sức đề kháng như người nghiện rượu, xơ gan, đái đường.

Triệu chứng khi mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

“Hiện nay việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị khá cao, riêng tiền thuốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có thể tới 1 triệu đồng/ngày, tiền lọc máu khoảng chục triệu/ngày”, bác sĩ Cấp cho biết.

Bác sĩ Đoàn Duy Thành, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, liên cầu khuẩn thường lây qua đường tiêu hoá gây triệu chứng đau bụng, buồn nôn, có biểu hiện xuất huyết hoại tử trên da. Xuất huyết trên da có thể thấy những vết tím trên mặt rồi lan ra toàn thân.

Bệnh gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm, có tháng không có trường hợp nào. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN