“Chê” bảo hiểm y tế: Thiệt thân

Nhiều gia đình lâm cảnh khánh kiệt chỉ sau một lần có người thân trải qua cơn bạo bệnh với chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng ở bệnh viện mà không có thẻ BHYT.

Từ tháng 8-2012, khi viện phí mới được áp dụng tại nhiều bệnh viện (BV) và địa phương, các chuyên gia y tế cho rằng nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ là một thiệt thòi lớn.

“Chê” bảo hiểm y tế: Thiệt thân - 1

Chi phí điều trị cho bệnh nhân nặng tại Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lên đến 5-15 triệu đồng/ngày.

Tiếc tiền trăm, tốn bạc triệu

Ông P.V.L, 40 tuổi, ngụ Thái Bình, được chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương - Hà Nội trong tình trạng sốc nặng, hôn mê, xuất huyết… do nhiễm liên cầu khuẩn. Khi BV thông báo chi phí điều trị hơn 10 triệu đồng/ngày, gia đình ông L. không khỏi giật mình. “Nghe BV giải thích nếu có thẻ BHYT, chi phí sẽ giảm rất nhiều, gia đình tôi rất tiếc. Giờ không có thẻ BHYT, chúng tôi đành vay mượn khắp nơi” - người nhà bệnh nhân L. cho biết. Sau gần 2 tuần điều trị, khoản viện phí của ông L. đã lên tới gần 150 triệu đồng.

Nằm tại Khoa Điều trị tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cha của chị Nguyễn Thị Phương, quê Nam Định, bị viêm phổi mà không có BHYT. “Cha tôi đã nằm điều trị ở đây 15 ngày, chi phí cả trăm triệu đồng rồi nhưng cũng phải mất 1-2 tuần nữa mới được xuất viện. Bác sĩ nói nếu cha tôi có thẻ BHYT, chi phí điều trị sẽ giảm khoảng 50%. Giờ gia đình mới thấy không có thẻ BHYT thật thiệt thòi” - chị Phương tiếc rẻ.

Tại BV Việt Đức - Hà Nội, bà Phạm Thị Huệ, quê Hưng Yên, không giấu nổi sự lo lắng khi nhẩm tính khoản viện phí của người con trai 23 tuổi bị chấn thương ổ bụng do tai nạn giao thông đã nằm một chỗ hơn 2 tuần nay. “Sức trai tráng, ai nghĩ gì đến ốm đau, bệnh tật mà lo mua BHYT! Đùng một cái, tai họa ập đến, vợ chồng tôi đã bán hết đồ đạc trong nhà để lo cho con nhưng chẳng thấm tháp gì. Ba lần đóng viện phí thì 2 lần tôi phải đi vay nặng lãi. Mấy ngày qua, tôi có nhờ người “chạy” thẻ BHYT nhưng không được, nếu mua cũng phải một tháng nữa mới được hưởng” - bà Huệ than thở.

Phao cứu sinh

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Khoa Điều trị tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân một khi phải vào đây điều trị thì chi phí lên đến 5-15 triệu đồng/ngày. Trong đó, chi phí lọc máu tới 20 triệu đồng/lần, máy thở 350.000 đồng/ngày, giường hồi sức 400.000 đồng/ngày…, chưa kể nhiều loại kháng sinh đặc trị rất đắt tiền mà bệnh nhân phải sử dụng lên tới 4-5 triệu đồng/ngày. Người bệnh nhẹ cũng phải mất tới 20-30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn bệnh nặng thì hàng trăm triệu đồng.

“Cách đây không lâu, một người bị uốn ván nhiễm khuẩn rất nặng được chuyển đến khoa chúng tôi điều trị. Sau một tuần, bệnh nhân có những dấu hiệu tốt hơn nhưng gia đình nhất định xin về vì hết tiền, chúng tôi thuyết phục thế nào cũng không được. Với bệnh nhân này, nếu có thẻ BHYT thì gia đình chỉ phải thanh toán khoảng 20 triệu đồng thay vì gần 100 triệu đồng” - bác sĩ Lê cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ - BV K Hà Nội, cho rằng bệnh nhân ung thư là những người phải cần đến thẻ BHYT nhất. “Chi phí điều trị ung thư rất tốn kém, không chỉ người nghèo, ngay cả người khá giả cũng có thể lâm vào cảnh kiệt quệ. Vì thế, không ít bệnh nhân ung thư đã xin hoãn mổ, hoãn điều trị chờ làm thẻ BHYT cho đỡ tốn kém” - bác sĩ Bảo nói.

Từng phải giải quyết nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, có hoàn cảnh khó khăn nhưng không có thẻ BHYT, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán - BV Việt Đức, cho rằng BHYT như phao cứu sinh cho những bất trắc của bệnh tật. “Chính sách BHYT thực chất là “lá lành đùm lá rách”. Trong khi đó, quyền lợi của bệnh nhân có BHYT hay không đều bình đẳng như nhau” - bà Hường khẳng định.


Hỗ trợ người nghèo tham gia BHYT

Theo đại diện BHXH Việt Nam, không có chuyện thiếu tiền mua thẻ BHYT cho người nghèo. Nếu các địa phương thống kê có bao nhiêu đối tượng được công nhận là hộ nghèo và cận nghèo thì ngân sách Nhà nước bỏ ra chừng đó tiền để hỗ trợ mua và cấp thẻ BHYT cho họ. Theo quy định, từ ngày 1-5, mức đóng phí tham gia BHYT tự nguyện là 567.000 đồng/năm. Hiện mức phí BHYT cho hộ cận nghèo bằng 70% mệnh giá thẻ; một số địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL… được hỗ trợ tới 90% phí tham gia BHYT nhưng tỉ lệ người nghèo và cận nghèo tham gia BHYT vẫn rất thấp.

Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết sau khi triển khai viện phí mới, Quỹ Hỗ trợ người nghèo cũng đang được các tỉnh, TP tái lập với nguồn đóng góp từ ngân sách địa phương và huy động các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN