Chăm tầm soát ung thư có nguy cơ rước ung thư

Sự kiện: Ung thư

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM ông từng nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” trong tầm soát ung thư sớm.

Chăm tầm soát ung thư có nguy cơ rước ung thư - 1

Việc chụp nhũ ảnh không khuyến cáo cho bệnh nhân dưới 40 tuổi

Bị ung thư giai đoạn cuối dù chăm tầm soát

Bác sĩ Vũ cho biết, có bệnh nhân đã lớn tuổi do gia đình có điều kiện nên hầu như tháng nào bệnh nhân cũng đến một bệnh viện để khám sức khỏe tổng quát và “tầm soát” ung thư, tuy nhiên khi phát hiện ung thư gan thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, đây là điều đáng tiếc. 

Trường hợp bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đến một bệnh viện lớn tầm soát ung thư vú và được cho chụp XQ tuyến vú (nhũ ảnh) và trên phim có một nốt mờ nhỏ và cô này vô cùng hoảng sợ. 

Bệnh nhân đã tìm đến bác sĩ xin khám sàng lọc lại và tư vấn. Bác sĩ Vũ cho biết ông đã tư vấn rất kỹ về điều này. Thực tế, theo bác sĩ Vũ lạm dụng chụp nhũ ảnh không tốt. Việc chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú được khuyến cáo không nên chỉ định cho phụ nữ dưới tuổi 40.

Bởi vì tuyến vú người trẻ rất dầy khiến nhũ ảnh thiếu chính xác, đồng thời chụp XQ tuyến vú trên người trẻ sẽ khiến mô vú hấp thu tia X và tự nó là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết anh gặp rất nhiều bệnh nhân đến viện với tâm lý lo lắng, sợ hãi bệnh ung thư. Có những bệnh nhân nằng nặc yêu cầu bác sĩ khám thật kỹ và phải được chỉ định chụp cắt lớp với các kỹ thuật hiện đại nhất vì trước đó đi xét nghiệm tại cơ sở nào đó và có trong tay kết quả chỉ điểm ung thư.

Không chỉ người dân, bác sĩ Thịnh cho biết có cả những người dù làm trong ngành y tế họ cũng sợ ung thư và muốn được xét nghiệm nhanh chóng nhiều bệnh ung thư cùng lúc.

Chăm tầm soát ung thư có nguy cơ rước ung thư - 2

Xét nghiệm chất chỉ điểm trong ung thư không có giá trị chẩn đoán.

Cách đây không lâu bác sĩ Thịnh gặp một bệnh nhân trên tay chỉ có tờ kết quả xét nghiệm máu và chất chỉ điểm ung thư tăng cao hơn và mặc định có chỉ số tăng “đồng nghĩa với mắc ung thư vú”. 

Bệnh nhân đòi bác sĩ khám, sàng lọc và cho rằng cần phải truy tìm được ung thư mới yên tâm. Khi tiếp xúc với bệnh nhân này, bác sĩ Thịnh đã phải giải thích rất rõ ràng việc xét nghiệm chỉ điểm ung thư chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị cao trong tầm soát ung thư. Bởi chỉ số có thể cao do tác động của khối viêm, khối áp xe vú hay có thể đang trong kỳ kinh nguyệt. 

Bệnh nhân vẫn yêu cầu được chụp MRI. Họ cho rằng phải MRI nhiều dãy “chẻ nhỏ” cơ thể ra mới có thể tìm kiếm ở lớp nào đó đang có tế bào ung thư. Thạc sĩ Thịnh cho biết nếu thực sự có ung thư vú chỉ cần chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm tuyến vú có bất thường bác sĩ đã có thể chẩn đoán ra ung thư hay u lành. 

Đánh giá về các gói ung thư nở rộ hiện nay, bác sĩ Thịnh cho biết người dân đang quá sợ ung thư và những gói tầm soát ung thư được quảng cáo nhiều, mang tính thương mại và họ chủ yếu quảng cáo bằng các xét nghiệm.

Trong ung thư, các kết quả xét nghiệm máu như CEA, CA, AFP, CA 125 hoặc CA 153 đều không có cơ sở để khẳng định ung thư mà nó chỉ có giá trị tham khảo.

Thực tế, nếu người bệnh có u lành tính, hay ác tính chỉ số này cũng tăng, ngược lại một số người có u nhưng chỉ số vẫn báo bình thường. Vì thế, các xét nghiệm đặc hiệu này không được khuyến khích trong tầm soát ung thư.

Để tầm soát ung thư, các bác sĩ tư vấn theo từng lứa tuổi, từng yếu tố nguy cơ bệnh nhân nào cần làm sàng lọc bệnh ung thư gì. Không có một xét nghiệm nào có thể phát hiện được tất cả bệnh ung thư.

Bác sĩ Thịnh cũng cho rằng, ngay cả việc lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức y tế nào khuyên dùng. Theo lý giải của ông Thịnh, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ chỉ có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư phổi, ung thư gan, chứ không áp dụng cho nhiều loại ung thư khác. Tuy nhiên, để tầm soát ung thư gan thì cũng chỉ cần siêu âm, vừa rẻ tiền vừa không độc hại, không xâm lấn và vẫn sàng lọc tốt.

Riêng với PET/CT thường có vai trò lớn trong đánh giá giai đoạn ung thư, tiến triển và di căn, và thường chỉ định với các bệnh nhân đã được xác định mắc ung thư vì đây là 1 kỹ thuật khá tốn kém kinh tế. 

10 nghề nghiệp gây tổn thương phổi khủng khiếp, nguy cơ ung thư cận kề

Dưới đây là 10 công việc rất có hại cho sức khỏe của phổi, có nguy cơ gây ung thư phổi cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Chi ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN