Cách phát hiện sớm căn bệnh ung thư phổi

Sự kiện: Ung thư Bệnh phổi

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi nên tầm soát giúp phát hiện sớm bệnh.

Cách phát hiện sớm căn bệnh ung thư phổi - 1

Nghệ sĩ Mai Phương hiện đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối di căn vào xương

Trước những thông tin liên quan đến căn bệnh ung thư phối mà nghệ sĩ Mai Phương đang phải đối mặt, theo GS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K TƯ, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, bệnh ung thư phổi là 1 trong 5 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam.  Bệnh có hai dạng là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. 

Ung thư phổi nguy hiểm và không có biểu hiện rõ ở giai đoạn sớm

Một số triệu chứng điển hình nhất thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi là tình trạng đau ngực, ho, khó thở, khàn tiếng, có hạch ở cổ...Phần lớn, ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có biểu hiện hoặc dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác. Vì thế, nhiều trường hợp ủ bệnh dẫn tới diễn biến bệnh nghiêm trọng hơn và rất khó điều trị.

Những trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống 5 năm nếu khối u ung thư kích thước dưới một cm. Nhưng nếu bệnh đã di căn xa đến gan hoặc tuyến thượng thận thì khả năng sống 5 năm sau điều trị là rất thấp.

Nên tầm soát ung thư phổi như thế nào?

Tầm soát ung thư phổi phải đúng cách mới có hiệu quả. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm. Đối với những người có nguy cơ trung bình thì nên chụp CT liều thấp 3 đến 5 năm một lần. Trong trường hợp bệnh nhân gặp bất thường sẽ chụp CT ngực liều cao và đồng thời soi phế quản và sinh thiết tế bào.

Chụp CT ngực liều thấp là chụp cắt lớp ngực, chụp nhanh, trong một lần hít vào tối đa, kéo dài không quá 25 giây. Với phương pháp này, lượng phóng xạ bệnh nhân phải chịu sẽ thấp hơn lượng phóng xạ một người trung bình nhận mỗi năm từ các hoạt chất phóng xạ tự nhiên và bức xạ vũ trụ từ ngoài không gian. Hiệu quả của chụp CT ngực liều thấp mang lại là giúp phát hiện được những khối u nhỏ dưới một cm. Chụp X-quang phổi thường không thể thấy được những khối u nhỏ này.

Dấu hiệu của bệnh ung thư phổi di căn

Đau đầu: Những người bệnh ung thư phổi di căn thường phải đối mặt với các cơn đau nhức, nhất là vào buổi sớm. Cơn đau thường kéo dài hoặc kết thúc trong thời gian ngắn, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì cơn đau sẽ ngày một nặng hơn.

Cơ thể suy yếu: Ung thư phổi di căn lên não sẽ tác động không nhỏ đến chức năng của não, thậm chí, nó còn gây tê liệt dây thần kinh và làm cho người bệnh yếu đi.

Khó thở: Nguyên nhân gây tình trạng khó thở ở người bệnh ung thư phổi di căn là do chất lỏng có chứa tế bào ung thư đã hình thành không gian quanh phổi, dẫn đến khó thở.

Động kinh, rối loạn hành vi: Người mắc ung thư phổi di căn, đặc biệt là di căn lên não có thể bị suy giảm khả năng đánh giá, lập luận. Nguy hiểm hơn là mất trí nhớ, lâu dần có thể gây tâm thần hay động kinh.

Tắc nghẽn hoặc chảy máu từ đường hô hấp lớn: Ung thư phổi phát triển gần đường hô hấp, lây lan của khối u vào đường thở có thể gây ra tắc nghẽn và chảy máu.

Đau xương: Ung thư phổi thường lây lan đến xương ngực và xương sống. Thuốc giảm đau có thể được sử dụng kiểm soát cơn đau, nhưng đôi khi xạ trị cũng được sử dụng để giảm đau hoặc giúp ngăn ngừa gãy xương.

Điều trị ung thư phổi di căn như thế nào?

Đối với những trường hợp bệnh nhân ung thư phổi có 1 khối u di căn ở não nhưng chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể thì hoàn toàn có thể tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u, ngoài ra cũng có thể sử dụng phương pháp hóa trị, xạ trị nhưng hiệu quả sẽ rất thấp.

Còn trong đa số các trường hợp nặng hoặc đã di căn đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, bệnh nhân ung thư phổi chỉ được điều trị giảm nhẹ để nhằm mục đích kiểm soát và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nhẹ các đau đớn ở giai đoạn cuối. 

Theo GS. Đức, khi ung thư đã ở giai đoạn cuối di căn, phương pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng.  Nghĩa là bệnh nhân đau đâu chữa đấy, ví như nếu khó thở sẽ điều trị cho bệnh nhân dễ thở hơn, nếu tràn dịch màng phổi sẽ dẫn lưu dịch màng phổi... Ngoài ăn những thức ăn loãng, dễ tiêu hóa và nhiều chất xơ, với người bệnh ung thư giai đoạn cuối yếu tố tâm lý rất quan trọng vì vậy cần tạo tâm lý lạc quan, vui vẻ giúp bệnh nhân mạnh mẽ chống chọi với bệnh tật", BS. Chân lưu ý. 

Những “thủ phạm” giấu mặt gây ung thư phổi

Ung thư phổi là căn bệnh phổ biến và cực kỳ nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi không loại trừ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Vũ ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN