Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các dữ liệu cho thấy, COVID-19 tác động đến tim của bệnh nhân nhập viện, những người mắc bệnh nhẹ và những người không có bệnh tim trước đó. Những vấn đề liên quan đến tim này có thể vẫn tồn tại rất lâu sau khi bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19, dù là thể nặng hay thể nhẹ.

Mặc dù rất nhiều virus, bao gồm virus cúm, có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tim mạch, nhưng SARS-CoV-2 có vẻ gây ảnh hưởng lên hệ tim mạch thường xuyên hơn.

Theo một bài báo xuất bản trên tạp chí Science, trong số bảy loại coronavirus gây bệnh trên người, các nhà khoa học biết rằng hầu hết chúng ảnh hưởng lên phổi chứ không phải tim. SARS-CoV-2 khác biệt vì nó có khuynh hướng gây ra các vấn đề liên quan đến tim mạch, ví dụ như viêm tim, các triệu chứng giống như đau tim, và rối loạn nhịp tim.

Các dữ liệu khác chỉ ra rằng khoảng 25% bệnh nhân nhập viện do COVID-19 gặp phải biến chứng về tim mạch, và các ca bệnh này chiếm khoảng 40% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19.

SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài hệ hô hấp. Kể từ khi xuất hiện, bệnh nhân COVID-19 đã phải chịu các ảnh hưởng đến não, hệ tiêu hóa và tim.

Điều thú vị là không chỉ những bệnh nhân mắc bệnh thể nặng có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch. Một nghiên cứu khác đăng trên tờ JAMA Cardiology chỉ ra rằng các bệnh nhân COVID-19 có thể gặp phải các biến chứng này kể cả khi họ mắc bệnh thể nhẹ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ tim mạch để khám tim của 100 người Đức vừa khỏi COVID-19. 78 trong số những người này có biến chứng về tim mạch, và 60 người tới lúc đó vẫn đang bị viêm mô cơ tim. Các phát hiện này độc lập với các yếu tố như khoảng thời gian sau khi được chẩn đoán bệnh và mức độ nặng nhẹ và quá trình tiến triển của COVID-19. Kể cả những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc biến chứng tim mạch liên quan đến COVID-19.

Một nghiên cứu xuất bản trên tờ JAMA Cardiology cho thấy, trong số 26 vận động viên thể thao chuyên nghiệp ở độ tuổi đại học dương tính với COVID-19, bốn người (15%) có hình ảnh cộng hưởng từ tim mạch cho thấy họ bị viêm cơ tim. Tám bệnh nhân khác (30.8%) cho thấy biểu hiện của tổn thương cơ tim trước đó. Tuy nhiên, do nghiên cứu này được thực hiện trên quá ít người, mối quan hệ giữa COVID-19 và tổn thương tim mạch ở vận động viên cần phải được nghiên cứu thêm. 

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 - 1

SARS-CoV-2 tấn công tim như thế nào?

Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu về cách SARS-CoV-2 tấn công tim. Có hai giả thuyết chính, mỗi giả thuyết xoay quanh một khía cạnh của virus và cách nó tác động tới hệ tuần hoàn.

Thứ nhất, phản ứng viêm gây ra bởi hệ miễn dịch khi đối mặt với COVID-19 có thể sẽ gây ra biến chứng trên tim. Phản ứng miễn dịch này có thể gây tổn hại đến mô cơ tim không trực tiếp bằng cách làm giảm lượng máu cung cấp tới tim và làm gia tăng nguy cơ viêm tim.

Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng SARS-CoV-2 gây hại đến mô cơ tim vì các protein gai của nó có thể gắn trực tiếp và đi vào trong các tế bào tim bằng cách gắn vào các thụ thể enzyme 2 chuyển hóa angiotensin (ACE2) của tim.

Dù là do hệ miễn dịch hay là do virus trực tiếp gắn vào thụ thế của tim, nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng của sự tổn hại tế bào cơ tim ở những người mắc COVID-19.

Các nhà khoa học khám nghiệm tim của những người tử vong do COVID-19 ở giai đoạn đầu của dịch bệnh tìm thấy dấu hiệu của các vấn đề về cục máu đông và hoại tử cơ tim. Các vùng cơ tim bị hoại tử được tìm thấy ở 35% trên tổng số 40 quả tim được khám nghiệm. Các nhà khoa học cũng tìm thấy cục máu đông ở các mao mạch trong tim.

Do hiện tại chúng ta vẫn chưa có các thử nghiệm quy mô lớn, các nhà khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ về cơ chế tác động lên tim của SARS-CoV-2.

Điều trị biến chứng liên quan đến tim do COVID-19

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 - 2

Phác đồ điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân nhập viện do COVID-19 thường bao gồm remdesivir và dexamethasone. Phác đồ này hầu như không thay đổi đối với những người có bệnh nền tim mạch.

Ở bệnh viện Cedars-Sinai, những bệnh nhân nhập viện với bệnh nền tim mạch được điều trị bằng phác đồ cho bệnh tim thông thường bên cạnh thuốc điều trị COVID-19. Theo bác sĩ Goldhaber, phác đồ điều trị ở khoa chăm sóc đặc biệt bệnh viện Cedars-Sinai cũng bao gồm cả chất chống đông máu: “Chúng tôi dùng thuốc chống đông máu với khá nhiều bệnh nhân COVID-19 để phòng ngừa tất cả các cục máu đông liên quan đến COVID-19. Những bệnh nhân được dùng thuốc chống đông máu dự phòng là những người không có các triệu chứng về tim mạch nào”.

Dù sử dụng phương pháp điều trị nào, bác sĩ Goldhaber và các đồng sự thấy rằng, nhìn chung, những bệnh nhân có bệnh nền tim mạch phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt lâu hơn những người không có bệnh.

Tác động dài hạn của COVID-19 lên tim

COVID-19 có khuynh hướng ảnh hưởng lâu dài tới cơ thể. Theo tờ BMJ, khoảng 10% người bệnh gặp phải các triệu chứng về hô hấp, tim mạch và thần kinh kéo dài.

Về các triệu chứng tim mạch kéo dài, bác sĩ Goldhaber cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để nói trước điều gì, nhưng chúng tôi rất quan ngại về vấn đề này, vì có những bệnh nhân không có tiền sử tim mạch nhưng hiện tại lại cảm thấy mệt khi tập thể dục và có các triệu chứng khác có thể liên quan đến tim mạch. Chúng tôi cũng lo lắng về những người mắc COVID-19 kéo dài với các triệu chứng tim mạch xuất hiện hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi mắc bệnh. Có thể sau này các tác động thứ phát của bệnh mà hiện nay chúng ta chưa thấy tại bệnh viện sẽ xuất hiện. Bởi vậy, người dân nên tiêm vắc xin thay vì chấp nhận rủi ro mắc COVID-19.

Tác động lên công tác chăm sóc tim mạch ở khoa cấp cứu

Ngoài các biến chứng tim mạch do COVID-19, bác sĩ Goldhaber cho biết công tác chăm sóc tim mạch định kỳ và trong phòng cấp cứu cũng gặp khó khăn trong đại dịch. Điều này có nghĩa là nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ, cách ly phòng điều trị và áp dụng các quá trình tẩy rửa làm sạch đặc biệt. Những điều này rất tốn thời gian, đặc biệt khi bệnh nhân đang cần được cấp cứu.

Do bệnh nhân với triệu chứng của bệnh đau tim cần phải được di chuyển đến phòng cấp cứu nhanh chóng, các nhân viên y tế chỉ có thể test COVID-19 nhanh, mà theo bác sĩ Goldhaber “chúng không chính xác lắm”.

Bác sĩ Goldhaber tại viện tim mạch Smidt ở Cedars-Sinai cho biết, hầu hết các bệnh nhân gặp phải biến chứng tim mạch liên quan đến COVID-19 là những người có bệnh lý tim mạch nền như suy tim hoặc bệnh mạch vành. Ở các bệnh nhân mắc COVID-19 và có bệnh lý tim mạch nền, bệnh này làm trầm trọng hơn các vấn đề tim mạch sẵn có của họ, từ đó làm gia tăng nguy cơ bệnh nhân phải đặt nội khí quản trong khoa chăm sóc đặc biệt.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao biến chủng Delta gây bệnh COVID-19 ở TP HCM nguy hiểm?

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phương Thảo ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN