Bị cắt bỏ "núi đôi" vì tin thầy lang

Sự kiện: Ung thư

Nhiều chị em khi mắc bệnh ung thư vú thường tìm thầy lang chữa nên đa phần khối u đã di căn mới chịu vào viện.

Loét ngực khi chữa thuốc nam

Bệnh viện K Hà Nội mỗi tháng tiếp nhận không dưới 200 bệnh nhân ung thư vú mắc mới đến điều trị. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp bị ung thư vú lại tìm đến các thầy lang “vườn” đắp thuốc lá. Bệnh viện K từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến nặng nề do dùng các loại lá thuốc, thuốc nam, lá đu đủ, cao dán… để đắp vào khối u vú với hy vọng chữa khỏi bệnh ung thư. Nhiều người nhập viện trong tình trạng vú bị lở loét, nhiễm trùng, mưng mủ.

Bệnh nhân H.T.T 40 tuổi ở Nam Định dù phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm nhưng thay vì phẫu thuật như chỉ định của bác sỹ lại đắp thuốc nam. Chị T kể, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật và xạ trị nhưng chị sợ “bệnh ung thư cứ động dao kéo vào là tế bào ung thư lan nhanh hơn” nên không phẫu thuật mà chỉ uống thuốc.

Nghe người quen mách chị tìm đến ông lang trị ung thư bằng thuốc đắp. Thầy lang cho thuốc nam đắp bảo đến khi khối u sẽ “chín” mưng mủ vỡ ra lôi được “nhân” là bệnh khỏi. Chị kiên trì đắp được một tuần vào bên ngực có khối u.

Bị cắt bỏ "núi đôi" vì tin thầy lang - 1

Nhiều chị em mắc ung thư vú bị cắt bỏ "núi đôi" vì đến điều trị muộn. Ảnh: H.M

Vài ngày sau vùng vú có khối u có dấu hiệu tưng tức, cắn cắn chị vẫn nghĩ thuốc nam đang có tác dụng nên kiên trì đắp tiếp. Dần dần toàn bộ ngực trái của chị bị phù nề và sưng tấy, cả bầu vú có khối u sưng to, thâm đen và chảy nước, có mùi hôi tanh. Khối sưng tấy hoại tử lan cả xuống vùng nách khiến chị đau đớn, không thể cử động ngón tay mới vào viện K. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ "núi đôi" cho chị.

Trước đó, chị N.T.H (30 tuổi, Hà Nam) sinh con được 6 tháng, đang cho con bú thì phát hiện xung quanh vùng ngực phải xuất hiện nhiều u cục nhỏ. Chị nghĩ mình chỉ bị tắc tuyến sữa thông thường. Tìm đến thầy lang gần nhà, chị được thầy lang bày cho những bài thuốc dân gian trị tắc tuyến sữa. Chị dùng lá đu đủ trong vườn đắp vào vùng có u hạch. Một thời gian ngắn, u hạch đó tan dần nhưng khi không đắp lá u hạch lại xuất hiện, đầu vú của chị còn chảy mủ và có mùi hôi. Vào Bệnh viện K khám, sau khi làm các xét nghiệm kết quả cho thấy chị bị ung thư vú giai đoạn cuối.

Theo BS Đỗ Thị Thúy Hằng (Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện K), nhiều bệnh nhân mắc ung thư vú khi không thể chữa trị được bệnh bằng thuốc của những ông lang mới đến bệnh viện thì đã muộn. Khối u đã di căn đi khắp cơ thể, hạch đã nổi khắp nơi.

Việc điều trị cho các bệnh nhân này bằng phương tiện hiện đại cũng không có nhiều hiệu quả. Thực tế, thuốc Đông y không có tác dụng chữa khỏi bệnh ung thư mà chỉ là biện pháp hỗ trợ về đề kháng, miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng hóa chất, xạ trị…

Trong thuốc Đông y có những thành phần chứa tính “hoạt huyết” làm tăng tốc độ tuần hoàn máu. Khi uống hay đắp trực tiếp vào u, hạch chứa tế bào ung thư rất nguy hiểm. Cục u sẽ “kích thích” máu đến nuôi tế bào ung thư làm khối u phát triển nhanh hơn. Bởi vậy, khi mắc bệnh không nên tìm đến thầy “lang vườn”, các loại thực phẩm chức năng để điều trị mà nên đến các bệnh viện chuyên khoa điều trị sớm.

Phụ nữ trẻ cũng mắc

BS Lê Thanh Đức (Bệnh viện K) cho biết, có nhiều phụ nữ trẻ thờ ơ với bệnh ung thư vú vì cho rằng bệnh này không thể mắc khi trẻ tuổi. Nguyên nhân cũng vì những biểu hiện ung thư vú ở những giai đoạn đầu thường rất “lành”.

Người bệnh có thể bị lên hạch, u cục nhưng không đau đớn, sinh hoạt vẫn bình thường. Song thực tế đã có rất nhiều phụ nữ trẻ, người chưa có gia đình, người đang cho con bú vào viện vì mắc căn bệnh quái ác này.

BS Lê Hoàng Minh - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết: Mỗi tháng viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân bị ung thư vú mắc mới đến thăm khám và điều trị.

Số phụ nữ mắc bệnh ung thư vú đã vượt qua ung thư cổ tử cung và căn bệnh này đang có nguy cơ gia tăng mạnh trong những năm tới.

Thực tế trên thế giới, ung thư vú thường xảy ra ở độ tuổi trên 55. Ở nước ta, bệnh nhân ngày càng trẻ.

Theo điều tra, phụ nữ trong độ tuổi 30 - 34 có tới 11,9 người/100.000 dân mắc, trong khi ở độ tuổi 40 - 44 có 26,6 người/100.000. Đặc biệt, ngay cả những phụ nữ độ tuổi từ 20- 30 cũng có thể mắc bệnh.

Chị Trần Thị Hóa, 28 tuổi ở Hải Dương được phát hiện có u từ lâu nhưng nghe nói ung thư vú chủ yếu gặp ở những người đã lập gia đình, tuổi tiền mãn kinh nên không để ý gì đến cái u bé bằng ngón tay ở ngực phải.

Chỉ khi thấy ngực đau, tiết ra dịch màu nâu có mùi hôi thì chị mới đến trung tâm phát hiện sớm ung bướu để khám. Làm các xét nghiệm, chụp nhũ ảnh và làm sinh tiết…kết quả chị bị ung thư vú. Không tin vào kết quả ở trung tâm, chị đi BV Bạch Mai, Bệnh viện K…

Các kết luận đều cho thấy tế bào ung thư đang phát triển mạnh, chị phải cắt một bên ngực phải, trị liệu hóa chất.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Minh ở Khoái Châu (Hưng Yên) còn đáng tiếc hơn. Thấy có u cục ở ngực trái, chị nghĩ là bình thường.

Nhiều người khuyên chị đi khám, chị cho rằng chưa lập gia đình thì không có cớ gì mắc bệnh này nên chần chừ không đi khám. Nhưng chính sự chần chừ này đã khiến chị phải mất ngực vì bệnh đã ở giai đoạn cuối, rất khó điều trị.

Phát hiện sớm dễ chữa khỏi

Ung thư báo động là vậy nhưng theo BS Đức 70% phụ nữ đến thăm khám khi đã phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, nghĩa là xuất hiện khối u và hạch đi cùng.

Theo các bác sỹ, ung thư vú là loại ung thư có khả năng điều trị và chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư. Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến 90%, ở giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 (khối u ác tính lớn và di căn) thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.

Chị em có thể phát hiện sớm ung thư vú bằng việc tự kiểm tra vú hàng ngày như dùng các ngón tay trái, duỗi thẳng áp sát vào xương sườn xoay vòng từ ngoài vào trong nhằm phát hiện các mảng dày bất thường hoặc u, cục ở vú; để ý đến dấu hiệu tiết dịch lỏng ở núm vú.

Nên đi khám vú định kỳ 6 tháng/lần và đi khám ngay khi thấy vùng vú có những biểu hiện bất thường. Các kỹ thuật chẩn đoán y khoa hiện nay ở Việt Nam có siêu âm, chụp X-quang nhũ ảnh, chụp CT, PET-CT và cuối cùng là sinh thiết để tìm ra ung thư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN