Bệnh sùi mào gà nguy hiểm như thế nào?

Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đưa ra những tư vấn về dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh sùi mào gà.

Trong thời gian hơn 2 tháng (từ 1/5 đến ngày 15/7/2017), Bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám và điều trị cho hàng loạt trẻ em mắc bệnh sùi mào gà, trong đó có 37 trường hợp tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Vậy sùi mào gà là bệnh gì, nguyên nhân, cách phòng ngừa ra sao…, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Hữu Doanh, phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Bệnh sùi mào gà nguy hiểm như thế nào? - 1

PGS.TS Lê Hữu Doanh, phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương. 

Thưa ông, nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà là gì? Đường lây truyền bệnh sùi mào như thế nào?

Bệnh sùi mào gà do virus HPV gây nên. Hiện tại đã phân lập được hơn 100 loại HPV khác nhau, trong đó sùi mào gà gây ra chủ yếu bởi loại 6,11 (khoảng 90%).

Bệnh sùi mào gà chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Các đường khác (thường gặp ở trẻ em): từ mẹ sang con trong quá trình sinh sản, lây gián tiếp qua dụng cụ y tế không vô khuẩn (đề kháng tương đối với nhiệt và sấy khô).

Biểu hiện của bệnh sùi mào gà là gì? Thường các vị trí tổn thương của bệnh sùi mào gà như thế nào?

Bệnh mào gà thường có biểu hiện với các hình thái đa dạng, thường gặp nhất là hình nhọn như súp lơ hay mào gà, có thể gặp dạng sẩn, sẩn sừng hóa, sẩn dẹt. Có thể gặp sùi mào gà khổng lồ.

Sùi mào gà biểu hiện ở chỗ vùng kín có màu sắc đa dạng như: màu hồng tươi, xám trắng, tro xám – nâu đen.

Các vị trí tổn thương của sùi mào gà thường gặp nhất là ở dương vật (thân, quy đầu, lỗ niệu đạo), âm hộ, âm đạo, đáy chậu (khu vực giữa sinh dục và hậu môn), cổ tử cung, hậu môn, quanh hậu môn, bìu, bẹn.

Bệnh sùi mào gà cũng có thể gặp ở niêm mạc họng, thanh quản, khí quản…

Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gặp ở thân mình và tứ chi nhưng rất hiếm.

Sùi mào gà có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của người bệnh?

Sùi mào gà khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, phản cảm và tiết ra mùi hôi thối. Tại các nốt sùi, việc đụng chạm có thể gây chảy máu, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển.

Mắc sùi mào gà gây tổn thương lớn nhất là gây chèn ép, ảnh hưởng đến chức năng cơ quan bị tổn thương như dương vật, âm hộ, âm đạo, đáy chậu…

Mắc bệnh này có thể có nguy cơ chảy máu bất cứ lúc nào. Nếu để lâu, bệnh có thể tiến triển thành ung thư.

Phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà có thể bị sảy thai, đẻ non và lây sùi mào gà từ mẹ sang con.

Cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà như thế nào?

Để phòng tránh căn bệnh sùi mào gà, nên tiêm phòng vắc- xin chống virus HPV (virus gây bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung). Đây là phương pháp an toàn nhất để bảo vệ cơ thể. Tiêm phòng vắc xin HPV cho nam và nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, tốt nhất là trước khi có quan hệ tình dục.

Ngoài ra, việc sinh hoạt tình dục cũng rất quan trọng. Mọi người nên hạn chế và lựa chọn bạn tình. Sử dụng bao cao su cũng chỉ có tác dụng bảo vệ khoảng 30-60%.

Mọi người không nên quan hệ tình dục theo đường hậu môn và miệng bởi gần đây các biểu hiện của sùi mào gà xuất hiện tại những bộ phận này ngày càng nhiều.

Vậy, cách điều trị bệnh như thế nào?

Tùy vào vị trí, mức độ tổn thương của sùi mào gà để điều trị. Tổn thương trong ống hậu môn, âm đạo, lỗ niệu đạo bắt buộc phải điều trị tại cơ sở y tế. Các tổn thương sinh dục ngoài có thể điều trị tại nhà bằng thuốc bôi.

Nếu bệnh nặng có thể sử dụng liệu pháp mạnh như xịt nito hoặc áp nito. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ sử dụng laser, đốt điện, hoặc phẫu thuật loại bỏ thương tổn.

Sốc: Hàng loạt bé trai bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu ở Hưng Yên

Sở Y tế Hưng Yên đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bé trai bị mắc bệnh sùi mào gà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu (ghi) ([Tên nguồn])
Bệnh sùi mào gà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN