Bé 13 tuổi viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa vì thói quen khó bỏ của nhiều người Việt

Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng, cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn đủ bữa, đúng bữa, không ăn quá no, sau ăn không nên vận động mạnh, buổi tối nên ăn đồ dễ tiêu... để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), gần đây bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ dưới 16 tuổi, đang trong độ tuổi đi học bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

Trường hợp điển hình nhất là bệnh nhi V.C.L. (13 tuổi, trú tại Quảng Ninh), bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày, viêm trào ngược thực quản, kết quả xét nghiệm HP dương tính. Trước đó, trẻ bị đau bụng cơn vùng thượng vị, nôn, đại tiện phân đen.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc viêm loét dạ dày. Ảnh: TT

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc viêm loét dạ dày. Ảnh: TT

Theo bác sĩ, trẻ bị viêm loét dạ dày đa số có triệu chứng như: đau bụng vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ kéo dài từng cơn hoặc dữ dội tùy vào vị trí ổ loét, buồn nôn và nôn, chán ăn, ợ chua…

Một số triệu chứng nặng như đi ngoài phân đen do chảy máu ổ loét, có những trường hợp trẻ bị chảy máu ổ loét tự cầm được hoặc trường hợp nặng hơn phải can thiệp cầm máu ổ loét.

Khi bị xuất huyết dạ dày - tá tràng, trẻ dễ bị thiếu máu, choáng ngất, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, chống loét tích cực, trẻ có nguy cơ biến chứng thủng dạ dày, dẫn tới viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.

Viêm loét dạ dày tá tràng có chữa khỏi được không?

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh có thể hoàn toàn chữa được nếu được phát hiện sớm. Hơn nữa, ngoài việc tuân theo phương pháp điều trị từ bác sĩ, bệnh nhân vẫn có thể chủ động kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh chủ động bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn nhằm ngăn ngừa sự gia tăng của những vết loét ở dạ dày tá tràng.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan và không thực hiện nghiêm túc việc chữa trị hoặc phát hiện bệnh quá trễ sẽ phải đối mặt với những biến chứng xấu của bệnh, đặc biệt là ung thư dạ dày có nguy cơ tử vong cao.

Vì thế, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh cần được lưu tâm và chữa trị đúng, kịp thời để người bệnh có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm loét dạ dày

Ngày nay, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên, do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học của nhiều gia đình trẻ. Các ghi nhận cho thấy, viêm dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân nhiễm HP (khoảng 60 - 90% số trẻ bị viêm dạ dày tá tràng).

Các nhà khoa học cho rằng, chế độ ăn uống kém khoa học, ví dụ như trẻ ăn các thức ăn khó tiêu (đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ hộp, trẻ ăn quà vặt hàng ngày…) khiến niêm mạc bị tổn thương, gây đau và viêm loét. Bởi bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, rất dễ bị tổn thương. Đối với những trẻ em ở lứa tuổi thành niên, áp lực học hành, căng thẳng, cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc phải căn bệnh đau dạ dày.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã ghi nhận, viêm dạ dày ở trẻ em một phần do yếu tố di truyền, bởi vi khuẩn HP có thể di truyền từ cha mẹ sang con. Nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh viêm dạ dày thì trẻ sinh ra sẽ có tỉ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày cao hơn những trẻ khác.

Bên cạnh đó, trẻ sống trong môi trường khói thuốc lá cũng là một nguyên nhân không chỉ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hô hấp, tim mạch…

Chế độ ăn cho trẻ bị viêm loét dạ dày

Trẻ bị viêm loét dạ dày cần đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng như: Vitamin, vi chất, muối khoáng theo độ tuổi, cân nặng.

Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng tiêu hoá ở dạ dày, ăn thức ăn nấu nhuyễn nghiền nát.

Trong bữa ăn, không vừa ăn vừa uống nhất là sử dụng đồ uống có ga.

Sử dụng nguồn protein từ thịt (nạc vai lợn, lườn gà), trứng (hấp, dạng kem caramen, súp), sữa.

Hạn chế các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày: Các loại lạp xưởng, xúc xích; thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi, thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ; thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua,...

Sử dụng nguồn vitamin từ rau củ (khoai tây, khoai lang nhiều beta-caroten và vitamin C).

Trẻ còn nhỏ nên cho bú sữa mẹ, cho trẻ bú nhiều lần. Đối với trẻ nhỏ không nên cho ăn cơm quá sớm, không nên chỉ ăn cơm với canh vì như vậy trẻ không chịu nhai mà chỉ nuốt chửng gây nặng gánh cho dạ dày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm gì để phòng bệnh viêm loét dạ dày cho trẻ

Để phòng viêm loét dạ dày tái phát ở trẻ, cha mẹ cần chú ý vẫn nên duy trì cho trẻ 2 - 3 bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính, không để trẻ ăn quá no hoặc quá đói, chọn cho trẻ thức ăn mềm, tránh những thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày và gây tăng tiết dịch dạ dày kể trên.

Cần đảm bảo cho trẻ ăn uống điều độ, đúng bữa, không nhịn đói, bỏ bữa. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống tránh nhiễm vi khuẩn HP.

Ngoài ra, cần tránh cho trẻ stress, căng thẳng nhiều, đặc biệt là áp lực thi cử. Khi sử dụng thuốc cần lưu ý với bác sĩ về tiền sử bệnh của trẻ, để được dùng thuốc phù hợp, nên cho trẻ uống thuốc sau khi ăn no.

Khi trẻ có những biểu hiện bất thường như đau bụng tái diễn, đau bụng kéo dài, đau tức thượng vị, ăn khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi gầy sút cân… cần được khám sớm.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thói quen xấu của cô gái này cũng là điều mà nhiều người trẻ hiện nay mắc phải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo GĐXH ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN