Bác sĩ mát tay nhất bệnh viện phụ sản nói về việc “thầy bảo chọn giờ đẹp để sinh”

Sự kiện: Sống khỏe

Bác sĩ sản khoa Lưu Quốc Khải được hàng nghìn bà mẹ xin nhận anh làm bố nuôi cho con của mình.

Nhiều sản phụ có nguyện vọng mổ đẻ theo giờ

ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được coi là bác sĩ mát tay nhất bệnh viện phụ sản đã đồng hành cùng hàng nghìn sản phụ vượt cạn.

Nhiều người biết đến ThS.BS Lưu Quốc Khải là một bác sĩ giỏi, nhiệt tâm với công việc và giàu y đức, được hàng nghìn bà mẹ xin nhận anh làm bố nuôi cho con của mình. Mặc dù rất vui nhưng ông không dám nhận lời bởi điều ông sợ nhất là thất hứa, không đến thăm con nuôi được.

Bác sĩ mát tay nhất bệnh viện phụ sản nói về việc “thầy bảo chọn giờ đẹp để sinh” - 1

ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

“Công việc hằng ngày cứ cuốn tôi đi, dường như 24 giờ là không đủ, nếu là cha thì phải quan tâm tới con, nếu không làm được sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương”, BS Khải chia sẻ.

BS Khải cho biết, để có cơ hội gắn bó với nghề y, anh đã phải trải qua rất nhiều nghề phụ, từ phụ hồ đến bảo vệ cơ quan,… rồi trở thành bác sĩ.

Nói về nghề, bác sỹ Khải cho rằng, làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp.

“Tôi luôn căn dặn nhân viên trong khoa rằng người bệnh được đối xử như nhau, kể cả giàu hay nghèo, thậm chí đối tượng ưu tiên trước hết là người nghèo hay người thân của người lính. Nếu được sự lựa chọn 50/50, tôi vẫn ưu tiên cho người nghèo, người ở xa và vợ bộ đội trước bởi người ta không có chỗ bấu víu. Mình không có lý do gì làm người ta buồn thêm cả” bác sĩ  Khải nói.

BS Khải chia sẻ, bản thân mình đã từng là người lính nên rất hiểu nỗi khó khăn vất vả của người vợ khi chồng đang thực hiện nhiệm vụ xa nhà không về kịp. Còn người nghèo rất cần đến sự sẻ chia của người thầy thuốc khi họ đặt cả niềm tin vào người thầy thuốc. Vì thế, mỗi người thầy thuốc ở khoa cần hiểu rằng, nghề y là nghề chữa bệnh, cứu người chứ không phải là kiếm tiền, nếu bất chấp kiếm tiền dễ sinh ra thất đức, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng”, bác sỹ Khải chia sẻ.

Nhiều người cho rằng, bác sỹ sản có vẻ “nhàn” hơn một số lĩnh vực khác, song theo lời chia sẻ của Trưởng khoa Khải, ranh giới giữa sự sống và cái chết của hai tính mạng đôi khi chỉ mong manh trong gang tấc. Có những tai biến sản khoa mà bất kỳ bác sỹ sản nào cũng phải ngấn lệ bất lực, đau với nỗi đau và mất mát của sản phụ và gia đình.

Hiên nay, nhiều sản phụ có nguyện vọng mổ đẻ theo giờ vì… thầy đã dặn giờ tốt. BS Khải cho rằng, trong nhiều trường hợp có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và bé.

“Không phải trong trường hợp nào sản phụ cũng có thể sinh mổ và nếu sản phụ nhất quyết 2 tiếng sau mới mổ đẻ theo lời thầy trong khi đang có dấu hiệu suy thai rất nguy hiểm vì nguy cơ trẻ bị ngạt tăng. Lúc này, chúng tôi phải giải thích, tìm cách thuyết phục sản phụ, người nhà bởi trong bất cứ tình huống nào thì “mẹ tròn con vuông” mới là điều quan trọng nhất", BS Khải lưu ý các bà mẹ.

Mọi ca sinh nở, bác sĩ đều như vào trận chiến

Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ, bác sĩ Khải cho biết thêm, đối với bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt.

Vì vậy, mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh…

“Chúng tôi hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ”, bác sỹ Khải chia sẻ.

Bác sĩ mát tay nhất bệnh viện phụ sản nói về việc “thầy bảo chọn giờ đẹp để sinh” - 2

“Chúng tôi hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ”, bác sỹ Khải chia sẻ.

BS Khải nhớ lại, trong một ca cấp cứu đặc biệt, đã có 18 y bác sĩ ở Bệnh viện bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhân mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn... Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ nhưng “xin bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi!”, nhưng đối với bác sĩ Khải là thầy thuốc phải cứu người. Vì thế, vượt lên trên những rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai… các bác sĩ vẫn tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cứu sống sản phụ.

Theo lời bác sĩ Khải, gia tài lớn nhất của anh hiện nay là những bức thư của những gia đình có con được sinh ra thành công từ khoa Đẻ 2. Những bức thư như cuốn nhật ký kể lại niềm hạnh phúc khi con chào đời, khi con chập chững những bước đi đầu tiên… được các gia đình gửi tặng bác sỹ Khải và tập thể Khoa. Đây là món quà vô giá đối với anh, bởi đó là sự ghi nhận của người bệnh đối với sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc.

Với hơn 20 năm trong nghề, bác sỹ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, đem lại tia sáng đầu đời cho biết bao đứa trẻ, anh chỉ thấy niềm hạnh phúc vẫn còn nguyên vẹn khi chào đón những đứa trẻ ra đời.

Niềm vui của bác sĩ cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu qua... Facebook

Facebook không chỉ là kênh thông tin giải trí mà đối với các y bác sĩ đây còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí còn có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN