5 vị thuốc giúp giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Trời lạnh làm tăng nguy cơ đau nhức xương khớp, nhất là ở những người đã mắc các bệnh lý cơ xương khớp từ trước. Một số vị thuốc tự có thể giúp giảm đau trong tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi trời lạnh

Ở những người bị thoái hóa khớp, sụn khớp bị mất dần, hình thành các gai xương và mất chất nhầy trong khớp dẫn đến tình trạng viêm, đau và cứng khớp.

Khi trời lạnh, có 4 lý do chính khiến cho chúng ta cảm thấy đau nhức xương khớp tăng lên, và tình trạng này còn nặng hơn ở những người đã có thoái hóa từ trước:

- Thứ nhất, cơ thể trải qua cảm giác đau trước hết là do sự thay đổi trong áp suất không khí. Khi chúng ta bước ra khỏi nhà và bắt gặp không khí lạnh, áp suất xung quanh giảm đột ngột. Điều này làm tăng áp lực lên các khớp và dây chằng, gây ra cảm giác đau và căng nhức.

- Thứ hai, thời tiết lạnh thường đi kèm với độ ẩm thấp, khiến cho làn da và các mô xung quanh khớp trở nên khô hơn. Lớp dịch để bảo vệ và bôi trơn khớp giảm đi, nhất là với những người đã mắc bệnh khớp từ trước, dẫn đến các khớp vận động thiếu sự trơn tru, làm tăng cảm giác đau và khó chịu.

Lá lốt chữa đau xương nhức khớp.

Lá lốt chữa đau xương nhức khớp.

- Thứ ba, khi chúng ta tiếp xúc với thời tiết lạnh, cơ thể tự nhiên có xu hướng co lại để giữ nhiệt. Quá trình co cơ này đặc biệt ảnh hưởng đến các cơ xung quanh khớp, làm cho chúng co lại và trở nên cứng hơn. Điều này tạo nên một áp lực lên các khớp, dây chằng và mô liên kết quanh khớp, dẫn đến sự mất linh hoạt tại các khớp và cảm giác đau nhức tăng lên, nhất là khi cần vận động.

- Thứ tư, tâm lý của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Ánh sáng mặt trời giảm làm giảm sự sản xuất serotonin và endorphin, những hormon liên quan đến tâm lý tích cực và giảm đau, khiến cho chúng ta có xu hướng buồn chán và mệt mỏi hơn. Stress và căng thẳng có thể làm tăng cảm giác đau và làm giảm khả năng chịu đựng đau của cơ thể.

Ngải cứu có khả năng ức chế các tác nhân gây viêm.

Ngải cứu có khả năng ức chế các tác nhân gây viêm.

2. Các vị thuốc tự nhiên giúp giảm đau nhức xương khớp

2.1. Lá lốt

Cây lá lốt được trồng tại nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, thường được nhân dân trồng làm rau gia vị hoặc làm thuốc. Lá mọc quanh năm, hay được dùng tươi hoặc có thể phơi khô để dùng dần. 

Có thể dùng lá lốt làm thuốc sắc uống chữa đau xương nhức khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân. Ngày dùng 5 - 10g lá phơi khô hay 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

2.2. Ngải cứu

Ngải cứu là một vị thuốc thông dụng trong cả đông và tây y, được nghiên cứu có chứa các hợp chất có hoạt tính như flavonoids, sesquiterpene lactones, và azulene. Các flavonoids trong ngải cứu có khả năng ức chế các tác nhân gây viêm. Sesquiterpene lactones được cho là có tác dụng giảm đau bằng cách ảnh hưởng đến các cơ chế truyền tín hiệu đau trong cơ thể.

Trong đông y, ngải cứu có tính ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai.

Cách sử dụng: Lá ngải cứu rửa sạch, để thật ráo nước, đem rang chung với muối cho nóng lên. Đổ hỗn hợp vừa rang ra khăn mềm hoặc túi vải, bọc lại và chườm lên vùng xương khớp bị đau.

Cúc tần chữa đau mỏi lưng.

Cúc tần chữa đau mỏi lưng.

2.3. Cúc tần

Cây cúc tần được trồng nhiều ở nước ta, thường được thu hái lá non và lá bánh tẻ. Cây thơm mùi tinh dầu, có mùi gần giống ngải cứu. Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hỏa, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ. Lá và cây non cúc tần được dân gian dùng làm thuốc chữa cảm sốt, lỵ, phong thấp, đau mỏi lưng.

Cách sử dụng: Giã nát lá và cành non, thêm ít rượu, xào cho nóng đắp lên chỗ đau và hai bên thận chữa đau mỏi lưng. Uống trong có thể dùng 15 - 20g rễ cúc tần hoặc 8 - 16g lá cúc tần rửa sạch, sắc nước uống.

2.4. Gừng

Theo tài liệu cổ, gừng có vị cay, tính hơi ôn, quy vào kinh phế, tỳ, vị. Gừng có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm. Tinh dầu gừng có chứa gingerol, được biết đến với đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm đau khớp và cải thiện khả năng vận động.

Cách sử dụng: Lấy một vài củ gừng đem rửa sạch, giã nát rồi cho vào rượu trắng ngâm khoảng 1 tuần. Khi bị đau lưng lấy rượu gừng ra xoa bóp.

Gừng giúp giảm đau khớp.

Gừng giúp giảm đau khớp.

2.5. Lá xương sông

Xương sông hay còn gọi là xang sông, hoạt lộc thảo là một loại cây được trồng nhiều ở nước ta, thường dùng lá non để ăn, lá bánh tẻ để làm thuốc. Khi sử dụng có thể dùng tươi hay loại đã phơi trong mát hoặc sấy nhẹ đến khô. Xương sông có công dụng trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, chỉ thống, tiêu thũng, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa.

Cách sử dụng: Lá bánh tẻ giã nát, sao nóng, trùm lên những nơi đau nhức xương khớp. Nếu uống trong ngày dùng 15 - 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm.

3. Các biện pháp giảm đau khớp tại nhà

Ngoài việc sử dụng các vị thuốc đơn giản, gần gũi, dễ kiếm trên, khi bị đau nhức xương khớp trong tiết trời lạnh, có thể áp dụng một số phương pháp sau:

3.1. Chườm ấm

Nhiệt giúp tăng lưu lượng máu, thư giãn cơ bắp và giảm bớt cứng khớp. Đặt một miếng vải sạch ngâm trong nước ấm lên khớp bị đau trong 15 - 20 phút vài lần trong ngày. Đảm bảo nhiệt độ ấm áp thoải mái, không quá nóng để tránh bị bỏng.

Lá xương sông giúp giảm đau nhức xương khớp.

Lá xương sông giúp giảm đau nhức xương khớp.

3.2. Xoa bóp

Nhẹ nhàng xoa bóp vùng bị đau bằng dầu ấm hoặc kem giảm đau tại chỗ. Sử dụng các chuyển động tròn và ấn nhẹ, đồng thời xoa bóp các khớp giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu và giảm đau.

3.3. Ngâm chân bằng thảo dược

Chuẩn bị nước ngâm chân bằng hỗn hợp các loại thảo mộc sau: Lá lốt, xương sông, ngải cứu, cúc tần, gừng, muối. Đun sôi các loại thảo mộc trong nước, để nguội đến nhiệt độ dễ chịu rồi ngâm chân trong dung dịch thảo dược trong 20 - 30 phút. Ngâm chân bằng thảo dược giúp thư giãn giảm stress, làm ấm cơ thể, giảm đau xương khớp khi trời lạnh.

Những biện pháp tại nhà này có thể giảm đau nhức xương khớp tạm thời. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc trầm trọng hơn, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

4. Ngăn ngừa đau nhức xương khớp do thời tiết lạnh

- Để giữ ấm cơ thể, hãy mặc đủ quần áo ấm, đặc biệt là bảo vệ cổ, thắt lưng và các khớp khi ra ngoài trời lạnh.

- Thực hiện các bài tập thường xuyên, nhẹ nhàng như yoga, giãn cơ có thể cải thiện tính linh hoạt và tăng cường sự dẻo dai của cơ bắp hỗ trợ cột sống.

- Tránh nâng vật nặng, di chuyển đột ngột và thay đổi tư thế đột ngột.

- Nếu cần, bạn hãy bổ sung vitamin D dưới sự giám sát của bác sĩ để hỗ trợ sức khỏe xương và khớp.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau tuổi 40, đây là nhóm tuổi nhóm tuổi được xác định mắc bệnh xương khớp tăng cao nhất trong các bệnh lý của con người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BSNT. Nguyễn Thanh Hằng ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN