"16 tuổi, lần đầu tiên tôi biết sử dụng ma túy"

Một thằng con trai 16 tuổi, lần đầu tiên biết sử dụng ma túy trong một hoàn cảnh rất đơn giản đó là hút cho đỡ buồn ngủ như lời của bạn học chung lớp nói.

Phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đã được thí điểm ở Việt Nam từ năm 2008 và đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Liên Hợp Quốc, để liệu pháp điều trị nghiện bằng thuốc Methadone có thể mang lại lợi ích tối đa về kinh tế và an ninh, trật tự xã hội. Chính vì thế, Chính phủ đã khuyến khích và tạo điều kiện để đẩy mạnh mô hình xã hội hóa hoặc tư nhân hóa điều trị Methadone theo nhu cầu.

Những người từ bỏ ma túy nhờ điều trị Methadone có thể lao động và kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.

Chúng tôi xin trích dẫn câu chuyện của người một thời lầm lỡ và đã tìm được “lối thoát” cho mình.

“Ba ơi..! Ba ơi…!”  Đó là tiếng gọi của cô bé với cái tên Ngọc Hân, gần tròn hai tuổi, dễ thương, làn da trắng với đôi mắt to tròn khép nép trong vòng tay yêu thương của ba.

Ngày đó - Tôi gặp em,  Phạm Huỳnh Kim K. Cũng như nhiều người khác mong muốn thay đổi chính mình sau bao lần thất bại trước ma túy, nhưng điều ấn tượng với tôi lúc đó chính là vết bầm tím xung quanh đôi chân. Đó là vết dây xích gia đình sử dụng để cách ly em với cám dỗ của ma túy, cùng với mái tóc rối bời được cắt tỉa theo sự bực dọc, dồn nén của người thân. Đi bên em là người cha đã mệt mỏi, chán chường nhưng không bao giờ thôi hi vọng vào sự thay đổi của đứa con mình.

Vì em, một thằng con trai 16 tuổi, lần đầu tiên biết sử dụng ma túy trong một hoàn cảnh rất đơn giản đó là hút cho đỡ buồn ngủ như lời của bạn học chung lớp nói. Và cứ thế, mỗi lần đến trường cũng là những lần trải nghiệm với nhiều cảm xúc khác nhau: vui buồn, lo lắng đôi khi hoảng sợ. Và điều lo lắng cũng đã đến, đó là ngày nhà trường phát hiện và buộc thôi học.

Gia đình từ khuyên răn, đe dọa và đi đến chấp nhận vì hành vi sử dụng ma túy đã làm cho em  không còn uy tín, trộm cắp, dối trá để thỏa mãn đòi hỏi của ma túy. Đây là khoảng thời gian buồn chán, cô độc và cảm giác thiếu ma túy thôi thúc trỗi dậy.

Sau những lần được đáp ứng đòi hỏi của cơ thể thì lại chán chường và bế tắc và cứ thế trôi đi như một vòng xoáy không lối thoát. Là những ngày lang thang lấy công viên làm nhà với đủ mọi thành phần: lớn có, nhỏ có, trộm cắp, xe ôm, gái mại dâm là bạn. Suốt ngày chỉ biết kiếm tiền bằng mọi giá để đáp ứng đòi hỏi của ma túy.

Sau hai năm, với trải nghiệm đau thương và mất mát, em cũng tìm lại bản thân mình qua việc tự cai tại nhà và đi học nghề vẽ tranh. Đó là khoảng thời gian êm đềm, vui vẻ bên người thân. Nhưng điều đó không kéo dài được lâu vì trước nơi em học nghề có người xe ôm sử dụng ma túy.

Và rồi đi cai với bao quyết tâm không thể đánh mất mình lần nữa. Lần này gia đình không còn vui vẻ, quan tâm như trước vì kết quả xét nghiệm của em có kháng thể dương tính với HIV. Em dường như không tin đó là sự thật và đã làm xét nghiệm nhiều nơi. Trong lúc hoang mang và lo lắng, em cũng nhận ra rằng việc này là kết quả của một lần chích chung với người bạn. Trạng thái hỗn độn, mất phương hướng và cái chết luôn thường trực trong suy nghĩ, em đã lao vào sử dụng ma túy và thuốc tân dược một cách không kiểm soát để tìm sự bình an.

Đến một ngày em không còn nhớ mình là ai, đầu óc trống rỗng, đi ngoài đường như một người điên, thế là đã hết, với em là chấm dứt! …Và gia đình, đưa em vào cơ sở cai nghiện lần này không giống như những lần trước- vì gia đình mà thôi. Không lâu sau đó, điều gì đến cũng sẽ đến, với em việc tái nghiện rất đơn giản vì mình còn gì để mà thay đổi, thay đổi để làm gì, cũng chết thôi!!!

Sự thật không phải là chấm hết. Khi gia đình và em đã đến với chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone-  Một chương trình hỗ trợ thay đổi hành vi mà tính quyết định thay đổi này phụ thuộc vào bản thân em là chính. Điều đó có nghĩa là bên cạnh em có nhiều cơ hội để vượt qua thách thức của cuộc sống. Trở lại với ngày đầu, khi biết em và cùng chia sẻ với em những khó khăn, thách thức. Đó là việc em phải thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày không có ma túy rất vất vả nhưng với em, lần cai này hoàn toàn không áp lực về tâm lý vì trong giai đoạn dò liều dấu hiệu của hội chứng cai giảm rõ rệt. Và cứ thế, hàng ngày em đến phòng khám là một ngày mới từ quần áo, tóc tai, giao tiếp cởi mở hòa đồng.

Tôi vẫn biết thời gian đầu khi thay đổi thói quen sinh hoạt từ trang thái lúc nào cũng tìm đến ma túy là giai đoạn có nhiều thời gian và cũng dễ làm cho mình lung lạc ý chí nhưng em đã sử dung thời gian vào công việc vẽ tranh, tham gia các hoạt động nhóm những người bạn cùng điều trị, cùng chia sẻ thông tin, kiến thức về HIV/AIDS.

Em đã thay đổi quan niệm, có bệnh không có nghĩa là chấm hết, em đã đăng ký tham gia chương trình điều trị cho người có H. Thông qua các việc làm và ý thức trách nhiệm bản thân trong việc tuân thủ các quy định điều trị, em đã lấy lại cân bằng trong cuộc sống và là một con người vui tươi, tự tin, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Về phía gia đình, các thành viên ngày một gắn bó, chia sẻ và giúp đỡ, động viên qua việc nhắc nhở việc tuân thủ điều trị cũng như tháo gở những khó khăn.

Cuộc sống đã trả lại những gì đã lấy đi trong những năm qua. Đó là tin em chuẩn bị lập gia đình, một niềm vui không chỉ cho riêng em mà cho tất cả mọi người. Tuy có những rào cản tưởng chừng như xóa đi mọi cố gắng nhưng em đã vượt qua và thời gian đã chứng minh tất cả. Đó là cô bé xinh xắn hàng ngày gọi em bằng Ba. Và điều vui mừng cho đến giờ với em là cả hai mẹ con điều không có kháng thể dương tính HIV.  Giờ đây em đã có đủ niềm tin và nghị lực hoàn thiện mình hơn bằng trách nhiệm của một người cha, người chồng và người con trong gia đình, mà trước đây không thể thực hiện được. Và tương lai đang còn ở phía trước cùng với mong đợi của em là sẽ sắp xếp thời gian để làm việc tạo thu nhập cùng vợ chăm sóc, dạy bảo con cái.

Cảm ơn em! đã cho tôi bài học thực tế, về  tính kiên trì vượt qua mọi khó khăn, mất mát để thay đổi chính mình, vì trong cuộc sống vấp ngã không có nghĩa là mất tất cả mà bên cạnh chúng ta còn có xã hội, gia đình và những người thân yêu luôn dõi theo từng bước thay đổi vì một tương lai tươi sáng hơn như màu tranh em vẽ ngày nào .

Câu chuyện của bệnh nhân Phạm Huỳnh Kim Kh. (TPHCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN