12 dấu hiệu cảnh báo ung thư tất cả mọi người cần phải biết

Theo TS Phan Minh Liêm, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư mọi người phải nhớ để có thể tầm soát sớm bệnh ung thư, bởi nó rất quan trọng.

12 dấu hiệu cảnh báo ung thư tất cả mọi người cần phải biết - 1

Các dấu hiệu cảnh báo cần đi khám ngay

Ung thư là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, lấy đi sinh mệnh của hơn 8 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới mỗi năm. Hơn 14 triệu ca ung thư được phát hiện mới mỗi năm và số ca bệnh ung thư đang tăng nhanh tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do ung thư cao trên thế giới. Tuy nhiên, 2/3 số ca ung thư có thể được phòng tránh nếu chúng ta áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa ung thư. 

Sau đây là một số thông tin hữu ích có thể giúp các bạn giảm đáng kể nguy cơ ung thư của bản thân và gia đình, người thân.

TS Phan Minh Liêm Đại học Texas – Trung tâm Ung thư MD Anderson, Houston, Texas, Hoa Kỳ cho biết, việc tầm soát ung thư đặc biệt quan trọng khi nguy cơ ung thư cao (ví dụ như do tiền sử gia đình có người mắc ung thư, do tiếp xúc với tác nhân gây ung thư,...) hoặc khi cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo ung thư. 

"Các bạn lưu ý đây chỉ là các dấu hiệu cảnh báo chứ không có nghĩa là chúng ta bị mắc ung thư khi có các triệu chứng bên dưới. Khi có một trong các biểu hiện dưới đây lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì chúng ta nên đi tầm soát ung thư và khám bệnh kĩ càng" - TS Liêm cảnh báo.

Hướng dẫn tầm soát ung thư dành cho phụ nữ với nguy cơ ung thư ở mức trung bình 

20-29 tuổi: Khám ngực và cổ tử cung (xét nghiệm Pap, bắt đầu từ năm 21 tuổi) tại bệnh viện chuyên khoa mỗi 1 đến 3 năm.

30-39 tuổi: Khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi 1 đến 3 năm. Khám cổ tử cung và xét nghiệm virus HPV mỗi 5 năm. 

40-49 tuổi: Chụp nhũ ảnh và khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi năm. Khám cổ tử cung và xét nghiệm virus HPV mỗi 5 năm. 

50-75 tuổi: Chụp nhũ ảnh và khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi năm. Khám cổ tử cung và xét nghiệm virus HPV mỗi 5 năm.
Chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm. 

Trên 76 tuổi: Bác sĩ sẽ tư vấn riêng về việc tầm soát ung thư. 

Hướng dẫn tầm soát ung thư dành cho nam giới với nguy cơ ung thư ở mức trung bình 

40-49 tuổi: Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về lợi ích và hạn chế của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Nếu bạn thuộc diện nguy cơ cao, từ năm 45 tuổi, bạn nên khám tuyến tiền liệt và đại tràng, xét nghiệm PSA mỗi năm.

50-75 tuổi: Khám tuyến tiền liệt và đại tràng, xét nghiệm PSA mỗi năm. Chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm. 

Trên 76 tuổi: Bác sĩ sẽ tư vấn riêng về việc tầm soát ung thư. 

TS Liêm cho biết, ngoài các biện pháp sàng lọc phát hiện ung thư, mọi người cần nhớ tới 12 dấu hiệu cảnh báo ung thư: 

1. Nhức đầu kinh niên mà không rõ lí do 

2. Ngộp, khó thở 

3. Ho dai dẳng, khan tiếng, đau ở cổ 

4. Khó tiêu hoá, khó nuốt 

5. Giảm hoặc mất khẩu vị mà không rõ lí do 

6. Vết thương, vết bầm lâu hoặc không lành, đau dai dẳng không rõ lí do 

7. Thay đổi nhu cầu đại tiện, tiểu tiện mà không rõ lí do 

8. Thay đổi màu sắc, hình dạng móng tay 

9. Có máu trong nước tiểu, phân, đờm 

10.Nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc, chảy máu, xâm lấn 

11. Sụt cân, mệt mỏi không rõ lý do

12. Xuất hiện các khối u dưới da 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN