Xăng giả ở Bà Rịa- Vũng Tàu được "sản xuất" như thế nào?
Chủ kho xăng giả khai nhận, mua xăng kém chất lượng rồi dùng hóa chất và chất bột tạo màu để nâng chất lượng xăng lên rồi bán đi các tỉnh.
Phát hiện kho sản xuất xăng giả
Ngày 6/11, tin từ bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đơn vị đang phối hợp với VKSND và Công an tỉnh này tiến hành điều tra vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên địa bàn TP.Vũng Tàu.
Theo thông tin ban đầu, vào lúc 1h sáng 31/10, lực lượng đánh án BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện tại kho hàng xăng dầu số 7/35 Phước Thắng, P.12, TP.Vũng Tàu thuộc công ty TNHH TM Vũng Tàu xăng dầu 89 (địa chỉ 1547/4 đường 30 tháng 4, phường 12, TP.Vũng Tàu) do Nguyễn Văn Nhân SN 1985 làm Giám đốc đang thực hiện hành vi bơm hút chất lỏng từ trong kho lên xe bồn BKS 84C-033.72 do Nguyễn Minh Chiến (SN 1995, quê Trà Vinh) làm tài xế, chuẩn bị đưa lên xe đi tiêu thụ với nhiều nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, trên xe bồn có khoảng 2.000 lít chất lỏng và trong kho có hơn 70.000 lít chất lỏng, cùng lượng lớn hóa chất Toluen, chất tạo màu để pha chế xăng giả.
Bước đầu, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, kho hàng trên là địa điểm pha trộn, làm xăng giả để tiêu thụ nên tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép chứng chỉ hành nghề để điều tra, làm rõ.
Các hóa chất, chất phẩm tạo màu dùng để pha chế xăng giả. Ảnh: Hưng Anh
Ngoài Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Minh Chiến còn có 3 người liên quan khác gồm: Lê Văn Nguyên (SN 1977, Giám đốc một công ty xăng dầu ở TP.HCM); Nguyễn Đình Ngọc (SN 1975, trú huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đỗ Hồng Sơn (SN 1992, trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Qua làm việc, chủ kho hàng là Nguyễn Văn Nhân không xuất trình được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, tính hợp pháp của số hàng hóa.
Quy trình pha trộn xăng giả như thế nào?
Qua đấu tranh khai thác, bước đầu Nguyễn Văn Nhân khai nhận kho hàng trên không có giấy phép, dùng làm nơi để sản xuất xăng giả, tổng số xăng trong kho có giá trị trên 600 triệu đồng.
Nhân khai, sau khi bàn bạc thống nhất, Nhân mua xăng kém chất lượng ở TP.Vũng Tàu rồi dùng hóa chất Toluen mua từ chợ Kim Biên, TP.Hồ Chí Minh và chất bột tạo màu tại TX.Phú Mỹ để tạo màu nâng chất lượng xăng lên rồi bán đi các tỉnh.
Quy trình sản xuất xăng giả được Lê Văn Nguyên chỉ đạo cho Đỗ Hồng Sơn, Nguyễn Đình Ngọc và Nhân trực tiếp thực hiện việc pha chế theo tỉ lệ 7 phần xăng, 3 phần hóa chất.
Cụ thể, để tạo thành 10m3 xăng A95 giả, các đối tượng sử dụng kết hợp 7m3 xăng A95 thật cho pha trộn với 3m3 hóa chất toluene và 3 thìa cà phê chất bột tạo màu vàng. Toàn bộ các thành phần hợp chất nêu trên được bơm vào bồn tự thiết kế loại 60m3 và sử dụng máy bơm có gắn mô tơ điện, bơm đảo chiều thành vòng tròn (có 1 đầu bơm từ bồn ra và 1 đầu bơm vào trong bồn), bơm liên tục 40 phút thì kết thúc quy trình sản xuất xăng giả. Sản phẩm có được là xăng A95 giả.
Từ đầu tháng 9/2020 đến nay, dưới sự điều hành của Nguyên, công ty đã nhiều lần thực hiện hành vi pha chế xăng giả để bán cho cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... hưởng lợi từ 600-800 đồng/lít xăng giả, mỗi tháng các đối tượng sản xuất ra khoảng 200.000m3 xăng giả bán ra thị trường.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, lãnh đạo BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đây là vụ sản xuất xăng giả lớn lần đầu tiên phát hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu. “Quá trình điều tra ban đầu xác định các đối tượng mua xăng dầu của một số công ty ở Vũng Tàu cùng với chất Toluen mua từ công ty trên TX.Phú Mỹ và chất tạo màu mua tại TP.HCM để pha chế thành xăng có thương hiệu, trên thị trường... chúng tôi xác định đây là hàng giả hàng gian”, vị lãnh đạo nói.
Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn tất hồ sơ và xác định vụ án trên có dấu hiệu của tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 BLHS nên đề nghị VKSND, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu.
Xăng giả thực chất là xăng thật được pha trộn với tạp chất theo một công thức nhất định. Các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng giả vẫn có thể hoạt động được nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, như: Chết máy, cháy, nổ...
Nghị định 67/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/07/2017 vừa qua quy định rất cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên. Theo đó, hành vi pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng; Ngoài bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trong trường hợp nghiêm trọng, hành vi pha chế xăng dầu giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 về tội Lừa dối khách hàng. Cụ thể, người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 03 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm...
Nguồn: [Link nguồn]
Tại nhiều điểm bán hàng di động, xe kéo khắp các cung đường thuộc Thủ đô Hà Nội đang bày bán hàng loạt các loại trái...