Ở tỉnh này nước ta, người dân đau đầu vì phải mua nước ngọt sinh hoạt

Năm trước, có hộ dân đã phải mua nước ngọt với mức giá lên đến gần 200.000 đồng/m3 nên họ lo sợ năm nay sẽ phải mua giá cao hơn.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa xâm nhập mặn năm nay đã bắt đầu từ cuối tháng 11/2023, dự báo kéo dài đến đầu tháng 5. Hiện chưa phải đỉnh điểm nhưng xâm nhập mặn đã lấn sâu khoảng 60km theo các sông chính, bao trùm gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre.

Ấp Thập Tư cách bờ biển hơn 40km nhưng người dân ở đây cho biết từ trước Tết Âm lịch nguồn nước đã bắt đầu nhiễm mặn. Hiện tại, nước sông đã "mặn đắng". Nước sông thì nhiễm mặn, nước giếng thì bị phèn đặc quánh, nhiều năm nay, người dân ấp Thập Tư mong ngóng sớm có dự án nước sạch về địa phương.

Nước sông "mặn đắng", nước trong giếng cùng nhiễm phèn đặc quánh không thể dùng để sinh hoạt được.

Nước sông "mặn đắng", nước trong giếng cùng nhiễm phèn đặc quánh không thể dùng để sinh hoạt được.

Bà Lê Thị Minh Luận, trưởng ấp Thập Tư (xã Thuận Điền, Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết cả ấp có 309 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, tất cả các hộ đều phải tắm nước nhiễm mặn, một số hộ đã hết nước ngọt dự trữ. Theo bà, từ tháng sau trở đi, hầu như cả ấp sẽ hết nước ngọt.

“Chuyện thiếu nước ngọt chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhiều năm rồi. Chúng tôi chờ đợi nước ngọt dữ dằn lắm", bà nói.

Vừa mới tắm xong, ông Đỗ Văn Nồi (ngụ ở ấp Thập Tư, xã Thuận Điền, Giồng Trôm, Bến Tre) than thở rằng tắm nước mặn rất khó chịu, chỉ được một lúc lại phải đi tắm tiếp. Có ngày, ông phải tắm 4 lần.

Ông cho biết nhà ông có 2 thùng bê tông dự trữ khoảng 4m3 nước ngọt. Mùa hạn mặn mới khoảng một tháng nhưng phân nửa nước dự trữ đã dùng hết. Vì nhà ông có 2 người lớn và 2 đứa nhỏ đang học cấp 1 nên nước sinh hoạt cần dùng nhiều.

Nhà nào cũng có những thùng dự trữ nước ngọt cho mùa hạn mặn.

Nhà nào cũng có những thùng dự trữ nước ngọt cho mùa hạn mặn.

“Người lớn có thể tắm nước nhiễm mặn chứ trẻ con thì chúng nó không chịu được. Mỗi lần tắm nước nhiễm mặn, bọn nhỏ bị mẩn ngứa toàn thân, đêm gãi không ngủ được. Tội chúng nó lắm nên đành phải tắm cho con bằng nước ngọt, đến đâu biết đến đó vậy”, ông chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn – nhà có điều kiện bậc nhất trong ấp, cũng không tránh khỏi nỗi lo thiếu nước ngọt để dùng nếu tình trạng hạn mặn kéo dài.

“Nhà tôi mua nhiều bồn về để dự trữ được khoảng 20m3 nước ngọt. Do vùng này mặn đến sớm mà hết trễ nên nước dự trữ chắc sẽ không đủ dùng được”, ông tâm sự.

Ông cho biết hạn mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến vườn dừa nhà ông. Kể từ đợt mắc hạn mặn năm 2016, lợi nhuận thu được từ vườn dừa chẳng còn được bao nhiêu. Vợ chồng ông từng có ý định chuyển sang trồng cây khác nhưng không được vì vẫn chưa tìm được cây nào có thể chịu mặn tốt hơn cây dừa.

Người dân tại ấp này sử dụng tất cả những vật dụng có thể để dự trữ nước ngọt.

Người dân tại ấp này sử dụng tất cả những vật dụng có thể để dự trữ nước ngọt.

"Tôi thử trồng mấy cây có múi nhưng gặp hạn mặn, chúng chết khô hết rồi, một vài cây còn sống thì không ra trái. Chỉ có cây dừa chịu được hạn mặn và vẫn cho chút thu nhập", bà Lê Thị Lợt (vợ ông Tấn) nói.

Bà kể lại mùa khô năm trước người dân trong ấp đã phải mua nước ngọt giá gần 200.000 đồng/m3. Nghe dự báo mùa khô năm nay nghiêm trọng hơn, bà lo giá nước cũng tăng lên.

Nhà chị Ngọc Điệp cũng đau đầu vì phải lo tiền nước ngọt cho 4 người sinh hoạt. Chị cho biết ngõ vào nhà chị chỉ vừa một đường xe máy chạy. Từ hồi còn mùa mưa, vợ chồng chị đã chuẩn bị 2 thùng bê tông cùng một bồn nhựa lớn để trữ nước.

"Nhưng 2 thùng bê tông đều vỡ hôm trước Tết. Nhà tôi đã phải mua thùng nhựa hết 1,7 triệu đồng, đựng được 1m3 nước nhưng mới dùng gần tháng đã hết rồi”, chị nói.

Ngõ vào nhà quá nhỏ, xe bồn chở nước không vào được nên nhà chị phải mua từng thùng nước ngọt 18 lít với giá 10.000 đồng về để dùng. Nước đắt nên chỉ dám dùng cho ăn uống, còn mọi thứ tắm giặt đều dùng nước mặn.

Nguồn: [Link nguồn]

Do hạn mặn gay gắt, nhiều hộ dân tại tỉnh thành này đã phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để sử dụng vào mục đích sinh hoạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHÚC MINH ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN