Ồ ạt tăng đàn, người nuôi gia cầm lỗ nặng
Khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá heo và sức mua mặt hàng này giảm sút, giới chăn nuôi lao vào tăng mạnh đàn gà, vịt dẫn đến cung vượt cầu
Lúc dịch tả heo châu Phi lan rộng, khi giới chăn nuôi quay lưng với con heo, các cơ quan quản lý cũng khuyên người tiêu dùng chọn loại thịt khác, như gà - vịt… để thay thế thịt heo.
Đua nhau chớp thời cơ
Không chỉ người chăn nuôi gà mạnh dạn tăng đàn, nhiều người ngoài ngành cũng lao vào nuôi gà để nắm bắt thời cơ. Ngay cả các doanh nghiệp chăn nuôi gà quy mô lớn cũng tự tin tăng đàn, mở rộng quy mô. Nhiều người nuôi heo cũng chuyển sang nuôi gà, từ đó dẫn đến cung vượt cầu.
Ông Đỗ Văn Thông, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), cho biết trước đây nuôi 40.000 con nhưng sau khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, ông tăng đàn lên gần gấp đôi. Hậu quả, ông lỗ gần cả tỉ đồng do gà chỉ bán được 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 26.000 đồng/kg.
Theo những người chăn nuôi ở Đồng Nai, do nhiều nơi kéo nhau tăng đàn gà nên giá con giống cũng tăng chóng mặt, từ 9.000-10.000 đồng/con lên 13.000-15.000 đồng/con. Nay giá gà thịt giảm mạnh, giá con giống giảm còn 7.000-9.000 đồng/con, thậm chí khu vực miền Trung còn 3.000-4.000 đồng/con cũng không có người mua.
Tỉnh Đồng Nai có rất nhiều hộ nuôi vịt nhốt. Thời gian qua, họ cũng tăng đàn với hy vọng lãi cao do người tiêu dùng quay sang chọn thịt gia cầm. Từ đó, vịt giống cũng không đủ cung cấp, giá lên đến 13.000 đồng/con, trong khi trước đó chỉ 9.000 - 10.000 đồng/con. Do nhu cầu tăng cao, việc kiểm soát không được quan tâm nên chất lượng vịt giống giảm sút, tỉ lệ hao hụt khi nuôi lên đến hơn 50%. Khi nguồn cung tăng, giá vịt xuất chuồng giảm theo, từ 60.000 đồng/kg xuống còn 31.000-32.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng do giá thành chăn nuôi hơn 40.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với 1.000 con gà công nghiệp, người nuôi lỗ từ 15-20 triệu đồng. Nguyên nhân lỗ là do cung vượt cầu bởi người nuôi nhận định xu hướng chuyển sang ăn thịt gia cầm sẽ mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế, người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt gà, vịt thấp hơn tỉ lệ tăng đàn gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm miền Đông, nhìn nhận ai cũng đua nhau nuôi gà, vịt. Nguồn cung thịt gà, vịt tăng lại rơi vào tháng 7 âm lịch, nhiều người ăn chay, dẫn đến việc tiêu thụ thịt thêm khó khăn.
Người nuôi gà lỗ nặng trong thời gian gần đây.
Thống kê chưa sát thực tế
Theo Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Chi cục Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn gà của địa phương đã tăng thêm hàng triệu con so với cuối năm ngoái. Hiệp hội Gia cầm Đồng Nai cho biết đầu năm có khoảng 22,5 triệu con gà vịt, đến giữa năm tăng lên 29 triệu con và hiện còn khoảng 26 triệu con.
Thêm nguyên nhân dẫn đến nguồn cung gà thừa còn do cơ quan chức năng thống kê đàn gia cầm chưa chính xác bởi cách tính không sát thực tế. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng cách tính số vòng quay chăn nuôi của Tổng cục Thống kê không hợp lý so với thực tế. Theo đó, Tổng cục Thống kê tính số vòng quay chăn nuôi gà 1,5 lứa/năm. Trong khi đó, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lại tính đến 3-6 lứa/năm. Thực tế, tại nhiều trang trại nuôi gà khu vực Đông Nam Bộ cũng cho thấy một lứa gà trắng công nghiệp nuôi từ 40-50 ngày, trung bình 45 ngày xuất chuồng; gà màu 50-60 ngày xuất chuồng và gà ta 65-75 ngày xuất chuồng. Sau một lứa gà, người bán mất khoảng 2 tuần để vệ sinh chuồng trại, thả lứa gà mới. Như vậy, trung bình gà trắng công nghiệp mỗi năm thả nuôi khoảng 5,5 lứa, gà màu 5 lứa.
Nếu tính số vòng quay chăn nuôi 1,5 lứa mỗi năm, Việt Nam có tổng đàn gà gần 317 triệu con thì tổng gà giết thịt gần 478 triệu con. Tuy nhiên, cũng với tổng đàn gà gần 317 triệu con, vòng quay chăn nuôi thực tế từ 3-6 lứa/năm thì tổng đàn gà các loại được sản xuất hằng năm lên đến 1,2 tỉ con, sản lượng tương đương 2,4 triệu tấn thịt/năm.
Từ nhận định và cách tính không sát thực tế dẫn đến "khủng hoảng" thừa thịt gia cầm đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi quá lớn.
Do tình trạng đầu ra khó khăn, người chăn nuôi gà ở khu vực Đông Nam Bộ không bán được hàng, giá giảm mạnh