Hãi hùng khúc cá kho có giòi mua từ cửa hàng thực phẩm sạch: "Thực phẩm sạch" có sạch?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều người dùng tỏ ra hoang mang, mất lòng tin trước hàng loạt thực phẩm gắn mác “thực phẩm sạch” mà kỳ thực lại không sạch.

Mới đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về khúc cá kho có giòi bò lúc nhúc do một khách hàng tên Nguyễn Văn Tuyền chia sẻ. Được biết, sản phẩm là món cá kho sẵn được khách hàng mua tại cửa hàng trên đường Nguỵ Như Kon Tum (Hà Nội), thuộc chuỗi thực phẩm sạch CleverFood.

Khách hàng phát hiện giòi bò lúc nhúc từ khúc cá kho mua từ cửa hàng thực phẩm sạch

Khách hàng phát hiện giòi bò lúc nhúc từ khúc cá kho mua từ cửa hàng thực phẩm sạch

Anh T. cho hay: "Do con ăn tối nhà ngoại, một mình tôi ăn, được một vài miếng tự nhiên thấy mấy đầu que nhô lên khỏi mình cá (khúc đuôi), tôi nhìn kỹ thấy bất thường và tách miếng cá ra… thì thật kinh khủng: Giòi lúc nhúc. Tôi phải lao vào nhà vệ sinh móc họng. Sốc thực sự nhưng tôi quyết định quay clip lại để phản ánh lại với cơ sở mong có lời giải thích".

Được biết, khúc cá này thuộc đơn hàng gồm 8 món được anh đặt mua tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood trên phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi phản ánh, anh T. nhận được câu trả lời là "do phía nhà cung cấp", cửa hàng sẽ hoàn tiền.

Công ty thực phẩm sạch CleverFood ra đời được 5 năm, hiện vận hành chuỗi 10 cửa hàng tại Hà Nội, chuyên cung cấp thực phẩm sạch, hữu cơ, an toàn và hoa quả nhập khẩu, đặc sản ba miền. Đây là một trong các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch có số lượng cửa hàng nhiều nhất tại Hà Nội, bên cạnh Sói Biển và Bác Tôm...

CleverFood là chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với 10 cửa hàng tại Hà Nội

CleverFood là chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với 10 cửa hàng tại Hà Nội

Sau sự cố trên, hiện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood vừa tạm đóng cửa ba ngày. Dù vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng và mất lòng tin về các sản phẩm sạch. Làm thế nào để phân biệt và chọn lựa thực phẩm ăn hàng ngày được an toàn nhất?

Trên một diễn đàn về thực phẩm sạch, tài khoản có tên Thanh Tuan tỏ ra hoang mang: “Thật khó tin nổi, cá đã kho thì dù ruồi nó có đẻ trứng vô thì cũng chết hết ấu trùng, vậy mà có giòi, quả thật kinh khủng”.

Tương tự, anh Tuấn Nguyễn cho rằng: “Tôi không hiểu sạch chỗ nào, chất lượng chỗ nào??? Cá kho mà có giòi thì kinh khủng quá”.

Với người dùng có tên Thắng Nguyễn Văn thì trăn trở cho rằng, cơ quan chức năng rất khó quản lý. Khi mà chưa có chế tài phù hợp thì sự an toàn của người tiêu dùng lại phụ thuộc vào đạo đức của nhà kinh doanh, thực phẩm mà bảo quản không tốt thì tự khắc nó hỏng chứ có gì lạ đâu.

Do mất lòng tin vào các hệ thống cửa hàng gắn mác “thực phẩm sạch”, một tài khoản có tên Tesla thì nói: “Thà mua thực phẩm ngoài chợ cho nhanh, vô cửa hàng thực phẩm sạch nhưng là thực phẩm bẩn đội lốt thực phẩm sạch còn ghê gớm hơn”.

Mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với sự an toàn của các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày. Nhận biết được nhu cầu đó, trong những năm gần đây, một loạt các thương hiệu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ… ra đời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng chính sự ra đời ồ ạt của các thương hiệu này lại dẫn đến những tồn tại bất cập của thị trường thực phẩm an toàn, như: thật - giả khó phân biệt, sự hoài nghi liệu có an toàn như mong đợi, chưa kể giá thành thường cao gấp 3 – 4 lần thực phẩm thường,…

Có một thực tế là người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn thật, đâu là thực phẩm đội lốt thực phẩm an toàn. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hi vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao, như siêu thị, hệ thống các cửa hàng gắn mác “thực phẩm sạch”,… nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc trà trộn rau, thực phẩm không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui mặc dù các sản phẩm đó đều có gắn mác là an toàn.

Gần đây nhất, có thể kể đến hàng loạt các vụ ngộ độc do ăn pate chay. Nguyên nhân ngộ độc do trong thực phẩm này có chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum – có từ thực phẩm nấm mốc.

Nói về trường hợp khúc cá kho có giòi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa) cho biết, cá kho có giòi chứng tỏ đồ ăn đã hỏng nghiêm trọng. Thời gian để giòi sinh ra từ trứng của con ruồi là một quá trình dài.

"Dù giòi không gây nguy hiểm chết người nhưng thức ăn chứa giòi thường bị ăn hết chất bổ, khi con người ăn sẽ không còn nhiều giá trị dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn, giòi có thể là nguồn dẫn đến thương hàn, kiết lỵ, giun sán, tiêu chảy, bệnh tả...", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thì cho rằng, an toàn thực phẩm là chuyện không mới song là vấn đề nan giải do thiếu kỷ cương. Nước ta vẫn chỉ quản lý chất lượng hàng hóa từ ngọn, chưa giải quyết triệt để từ gốc. Mức xử phạt vi phạm đối với các siêu thị quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phạt một vài triệu, thậm chí 10 triệu đồng không thấm tháp gì so với doanh thu một ngày của một siêu thị hay cửa hàng.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực hư loại nấm lạ đang gây sốt trên thị trường, dân buôn ngày bán cả tạ

Loại nấm này có lớp da vằn đen bên ngoài, phần thịt bên trong màu trắng, được quảng cáo là một loại nấm đặc sản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN