Nóng tuần qua: Loại tôm hùm “khổng lồ” ngon nhất thế giới đổ bộ Việt Nam, giá rẻ bất ngờ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thị trường trong nước tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.

Tôm hùm đỏ Nam Úc giá rẻ đổ bộ Việt Nam

Tôm hùm đỏ Nam Úc được mệnh danh là một trong những loại tôm hùm ngon nhất thế giới với kích thước "khổng lồ" đã lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam với giá còn rẻ hơn tôm hùm bông Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia (TP HCM), đây là dòng tôm hùm khai thác tự nhiên, những năm trước nếu nhập khẩu đưa về Việt Nam giá bán lẻ phải từ 3-4 triệu đồng/kg.

"Tôm hùm đỏ Nam Úc trước đây chủ yếu xuất khẩu Trung Quốc nhưng do thương chiến giữa 2 nước nên giá tôm hùm đỏ Nam Úc giảm sâu, chúng tôi thấy giá tốt nên đưa về Việt Nam. Với giá bán lẻ khoảng 2 triệu đồng/kg, những con to, kích cỡ 4-5 kg/con được khách chọn trước tiên" – ông Trường tiết lộ.

Trong khi đó, tôm hùm Việt Nam sản lượng thấp, Trung Quốc hụt nguồn tăng thu mua nên giá tăng cao, các cửa hàng hải sản Việt Nam chủ yếu bán tôm hùm nhập khẩu.

Tôm hùm đỏ khổng lồ Nam Úc lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Tôm hùm đỏ khổng lồ Nam Úc lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Kho hàng nhái "khủng" Ninh Bình, mỗi ngày chốt 1.000 đơn hàng

Sáng 1-4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình và Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000 m2 của ông Trần Văn Bản có địa chỉ ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung (Gia Viễn).

Đây là kho hàng chứa nhiều loại sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Cục quản lý thị trường Ninh Bình, phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook, bình quân mỗi ngày khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển. Hiện, cơ quan chức năng đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sắn dây ế ẩm, dân chuyển qua làm bột để bán

So với năm ngoái, giá sắn dây củ giảm một nửa, từ 60.000- 75.000 đồng/10kg giảm còn 35.000 – 38.000 đồng/kg. Chưa kể, thương lái đến mua thưa thớt hơn và họ mua cũng kén chọn hơn so với những năm trước. Theo người trồng, với giá này, người trồng bán sắn củ chỉ có lỗ, không đủ tiền phân bón và làm đất, thuê máy đào củ...

Vì vậy, không ít gia đình chuyển qua làm bột sắn dây để bán được giá và bảo quản được lâu hơn. Hiện, bột sắn dây bán buôn số lượng lớn giá khoảng 65.000 đồng/kg, còn bán lẻ vào khoảng 110.000 đồng/kg.

Bà Phan Thu Hà, trưởng phòng NN và PT NT huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá sắn củ giảm đáng kể, mọi năm khoảng 70.000 – 80.000 đồng/10kg, còn năm nay chỉ khoảng 40.000 đồng/10kg. Mọi năm, người dân xã Ngọc Liên vẫn bán song song sắn củ và làm tinh bột sắn dây để bán. Năm nay nay giá rẻ, dân chuyển qua làm bột sắn nhiều hơn trước.

Giá sắn rẻ, thương lái đến thu mua thưa thớt, nhiều hộ gia đình trồng sẵn chuyển qua làm bột để bán được giá hơn.

Giá sắn rẻ, thương lái đến thu mua thưa thớt, nhiều hộ gia đình trồng sẵn chuyển qua làm bột để bán được giá hơn.

Giá rau tăng gấp 4 lần sau thời gian “giải cứu”

Sau thời gian giá rau chạm đáy, “cho không ai lấy” phải mang về cho bò ăn, đến nay nông dân Nghệ An vui mừng khi mức giá dần ổn định trở lại.

Ghi nhận tại các vựa rau của TP.Vinh và các vùng phụ cận như huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An), giá rau hiện cao gấp nhiều lần so với thời điểm đầu tháng 3. Cụ thể, giá các loại rau cải cúc, rau mầm, rau thơm... dều tăng lên đến 8.000 - 10.000 đồng/bó tại ruộng, trong khi đầu tháng 3 chỉ có 1.000 – 2.000 đồng/bó  Nhưng dân không còn nhiều rau để bán vì trước đó bán rẻ hoặc nhổ bỏ hết.

Nguyên nhân khiến giá rau tăng mạnh được cho là thời điểm này không phải chính vụ sản xuất rau, lượng rau cung ứng trên thị trường không dư thừa. Đặc biệt, thời gian này bước vào mùa nắng nóng, rau xanh được ưa chuộng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn, các thương lái đã bắt đầu tìm mua rau để cung ứng cho các thị trường lớn.

Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Nghệ An khuyến cáo, các địa phương và người dân không nên vì giá rau tăng cao trở lại mà mở rộng diện tích rau ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến tình cảnh được mùa, mất giá như thời gian qua. Cần nghiên cứu kỹ thị trường, lựa chọn giống rau phù hợp với từng địa phương, đẩy mạnh liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Ế ẩm, tiểu thương vứt bỏ hoa lê trắng thành đống

Theo nhiều tiểu thương cho biết, chưa năm nào hoa lê trắng mang từ các tỉnh thành miền núi phía Bắc xuống Thủ đô lại ế ẩm như năm nay, tiểu thương phải ngậm ngùi vứt bỏ đầy đường.

Dù suốt nửa tháng qua, các tiểu thương đã giảm giá kịch sàn mỗi cành lê trắng nhưng khách chẳng màng tới nên dịp này đành phải phá bỏ. Dọc triền đê đường Âu Cơ cạnh chợ hoa Quảng An cũng như đường Lạc Long Quân dễ dàng bắt gặp những cành lê khô héo vứt bỏ chất thành đống. Chia sẻ thêm về điều này, một tiểu thương tại chợ hoa Quảng An nói: "Chưa năm nào các loại hoa lại ế ẩm như năm nay chứ không riêng gì hoa lê trắng".

Hằng năm, người dân Thủ đô thường chơi hoa lê trắng dịp Rằm tháng Giêng đến hết tháng 2 Âm lịch và những cành lê trắng đầu mùa thường có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN