“Gia vị nhà giàu” mỗi cân có giá bằng cả chỉ vàng vẫn cháy hàng dịp cuối năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Loại nguyên liệu này được coi như mì chính của nhà giàu, dù giá bán đắt đỏ mỗi cân tương đương một chỉ vàng nhưng vẫn được nhiều người tìm và đặt mua.

Sá sùng có nhiều ở Quảng Ninh, tập trung ở các bãi cát thuộc các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn của huyện Vân Đồn. Sá sùng Vân Đồn được đánh giá là ngon thượng hạng và có giá đắt đỏ nhất trong nước, từ 3,7-6 triệu đồng/kg khô. Từ lâu, sá sùng được coi là nguyên liệu, gia vị hạng sang của những gia đình có điều kiện, với cái tên là "mì chính nhà giàu" khi chúng sở hữu hương vị thơm ngon như xương hầm.

Sá sùng được coi là mì chính của nhà giàu

Sá sùng được coi là mì chính của nhà giàu

Để có được sản phẩm sá sùng khô, người dân mất rất nhiều công sức và phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, từ việc tìm tổ sá sùng, rồi dùng mai đào (công cụ khai thác), sau đó về nhà sơ chế, loại bỏ hoàn toàn cát trong ruột sá sùng, trần qua nước sôi rồi đem đi sấy khô trên hệ thống bếp than hoa. Thường thì 12-14kg sá sùng tươi, sau khi sơ chế, sấy khô được 1kg sá sùng khô.

Nhiều bà nội trợ có kinh nghiệm từ lâu đã coi sá sùng là một món “gia vị vàng ròng”, bởi chỉ cần thả một chút hoặc 1 con sá sùng cũng đủ để nồi canh ngọt thanh mà đậm đà, không một loại gia vị nào sánh được thậm chí, ninh xương ống thì độ ngọt cũng khó sánh bằng. Chính vì những lí do đó mà nhiều nhà giàu đã chịu khó cất công “săn” bằng được vài cân sá sùng về trữ trong bếp dù giá thành không hề rẻ.

Sá sùng được sơ chế, làm khô trước khi bán

Sá sùng được sơ chế, làm khô trước khi bán

Dù hơn 2 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng chị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhờ đặt mua sá sùng về dự trữ.

Theo quảng cáo của người bán, dòng này là nguyên con, không vụn, nát. Khi nấu canh hay lẩu, khách chỉ cần thả một mẩu sá sùng bằng đầu ngón tay vào nồi là không cần mì chính, hạt nêm hay ninh xương ống mà nước dùng vẫn thơm ngon, đậm vị.

"Nhà tôi đã dùng sá sùng được 3 năm, thay cho mì chính, hạt nêm và các chất tạo ngọt. Về hình dáng, sá sùng sống trông khá giống với giun nhưng lại có màu nâu đỏ và trên thân có nhiều sợi vân nhỏ li ti. Thế nên, chúng hay được gọi với cái tên là giun biển hay địa sâm" - chị nói.

Ngoài ra, chị Hoài còn cho biết, ngoài dòng khô làm mì chính, sá sùng tươi hay được dùng để nấu canh, xào với tỏi, su su hoặc đem chiên, làm gỏi. Vị béo ngậy, thơm ngon trong sá sùng là điểm nhấn nâng tầm cho các món ăn.

"Lý do mà mì chính nhà giàu đắt đỏ và khiến người mua săn lùng là vì, ngoài độ thơm ngon, chúng còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Theo Đông Y, sá sùng còn được ví như một bài thuốc quý, có tác dụng làm giảm chứng tâm hàn, bồi bổ dương khí và thanh mát cơ thể" - chị Hoài thông tin.

Là đầu mối chuyên cung cấp sá sùng ở Hà Nội, bà Lê Thị Thảo cho biết, cứ đến cuối năm là lượng khách đặt mua "mì chính" nhà chị lại tăng vọt. Khách thường có xu hướng mua nguyên con, dòng cao cấp dùng để biếu tặng và làm quà quý.

"Nhà tôi hiện có 2 loại sá sùng là nguyên con và dòng vụn. Trong đó, dòng nguyên con có giá dao động từ 2,5 - 5 triệu đồng/kg. Dòng vụn từ 1,2 - 2 triệu đồng/kg, loại này đa phần là bán cho quán hàng nấu phở, chuyên chế nước dùng" - chị kể.

Bà Vũ Thị Bình, chủ một cửa hàng chuyên hải sản ở Quảng Ninh cho biết, hiện tại bà đang gom sá sùng để trả đơn hàng cho khách đặt dùng dịp Tết 2021. Các dòng "mì chính" cao cấp từ 3 triệu đồng/kg trở lên đã hết sạch từ cuối tháng 11. Nếu khách muốn mua phải đợi thêm 15 - 20 ngày nữa mới có hàng.

Tìm hiểu được biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sá sùng kém chất lượng trà trộn, bán với giá rẻ hơn. Điều đáng nói là loại sá sùng rẻ này được các đầu mối nhập về từ Trung Quốc, khi nấu sẽ không được ngon ngọt bằng sá sùng Việt Nam.

Bà Bình lưu ý, nếu không cẩn thận, thượng khách rất dễ mua phải hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam. “Cách phân biệt dễ nhất là khi nấu lên, vị nước dùng không được đậm và thơm" – bà Bình tiết lộ.

Theo kinh nghiệm của những người khai thác sá sùng lâu năm ở Vân Đồn, khi chọn sá sùng, cần chọn loại mình dày, đều con, màu trắng ngà, sạch cát và có mùi thơm đặc trưng của hải sản. Các loại sá sùng mỏng, trắng tinh dễ bị tẩy trắng; hoặc thân đã chuyển màu xanh nhạt, có lấm tấm trắng là loại đã bị để lâu hoặc bị mốc.

Với giá trị kinh tế cao, để đảm bảo duy trì phát triển bền vững loài sá sùng trước những nguy cơ khai thác cạn kiệt, tỉnh Quảng Ninh hiện đã thực hiện lưu giữ, bảo tồn, khoanh vùng, quản lý vận hành vùng bảo tồn sá sùng 10ha tại các địa phương Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. 

Nguồn: [Link nguồn]

Nhặt ốc ở rừng đem về bán giá 400 nghìn một con vẫn cháy hàng

Loại ốc này nhỏ tí, có thể nhặt ở rừng nhưng giá bán lên đến hàng trăm nghìn đồng một con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN