Dịch tả lợn chưa giảm, kẻ ăn, người sợ

Sự kiện: Kinh Doanh

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện vẫn chưa có xu hướng dừng lại và đang tiếp tục lây lan. Người dân dù vẫn còn sợ dịch nhưng cũng đã bắt đầu trở lại mua thịt lợn về dùng…

Người dân mua thịt lợn tại chợ Thương Mại (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) Ảnh: H. Văn

Người dân mua thịt lợn tại chợ Thương Mại (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) Ảnh: H. Văn

Tại Quảng Nam, sau 5 tháng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, thị trường thịt lợn có dấu hiệu “ấm” dần trở lại. Tại các chợ trên địa bàn, giá thịt lợn tăng mạnh, tăng khoảng 20 ngàn đồng/kg. Cụ thể, giá thịt nạc đùi, ba chỉ, nạc vai có giá từ 90 - 95.000đ/kg; nạc thăn, nạc xay 100.000đồng/ kg, xương 75 - 85; giò 85; sườn 135.000đồng/ kg.

Tuy nhiên, theo chị Đỗ Thị Sung, tiểu thương chợ Thương Mại (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam): “Người mua vừa sợ dịch lại chê đắt, trong khi giá lợn hơi hiện đang tăng mạnh, nguồn cung thì khan hiếm dần”.

Theo chị Nguyễn Thị Thành, nhân viên bán điểm lợn sạch tại thành phố Tam Kỳ, số lượng người mua có tăng hơn so với thời điểm mới bùng phát dịch, tuy nhiên sức mua cũng còn chậm. Một phần do tâm lý còn sợ lợn dịch bệnh, phần do giá lợn lại tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn. “Trước kia có thời điểm mình tiêu thụ cả chục con mỗi ngày, nhưng hiện nay chỉ khoảng 3 - 5 con, chủ yếu bỏ sỉ cho các nhà hàng, trường học, còn điểm bán lẻ rất ít”.

Thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam, tính đến hết ngày 14/10, toàn tỉnh có tổng số lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi là 136.582 con (chiếm 28,28% tổng đàn lợn của tỉnh), trọng lượng tiêu hủy hơn 8.000 tấn; tổng số hộ có lợn tiêu hủy 32.867 hộ.

Tuy nhiên, sau 5 tháng xuất hiện, bệnh dịch trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu dừng lại và vẫn còn tiếp tục lây lan.

Tính đến ngày 14/10, tỉnh Quảng Nam đã phải chi 237,5 tỷ đồng cho công tác chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, còn 2 huyện miền núi là Đông Giang, Tây Giang chưa có dịch tả lợn châu Phi; số xã, phường, thị trấn có dịch qua 30 ngày là 76 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 38 xã tái phát dịch lần 1; có 3 xã tái phát dịch lần 2…

Tại Quảng Ngãi, các chợ dân sinh, siêu thị cũng như các quán ăn ở Quảng Ngãi, lượng thịt lợn bán ra cũng không giảm và giá không có thay đổi so với trước thời điểm bùng phát dịch.

Chị Võ Thị Huệ, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Quảng Ngãi, cho hay: “Như đợt trước dịch và đặc biệt đợt mới phát hiện dịch và dịch bắt đầu lan rộng đến Quảng Ngãi, tiểu thương bọn tui bán cũng 1 con lợn đến 12 giờ cũng chưa hết, thì nay đến gần trưa là không còn thịt để bán nữa rồi”.

Theo các hộ kinh doanh thịt lợn, lượng thịt tiêu thụ thời điểm hiện tại của người dân tăng lên, số lượng lợn để cung ra ngoài cũng khá khan hiếm nên giá bán thịt vẫn ở mức cao, dù vậy số lượng người mua cũng không giảm. Giá lợn thịt lấy từ cơ sở chế biến không có biến động nên những hàng thịt trong chợ vẫn giữ giá bán lẻ như trước khi chưa có dịch. Trung bình giá thịt lợn dao động từ 70-110 nghìn/kg tùy theo loại thịt. Như thịt ba chỉ từ 100-110 nghìn/kg, thịt vai khoảng 70-80 nghìn/kg, thịt đùi khoảng 80-85 nghìn/kg, thịt sườn thì 100-110 nghìn/kg.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nơi ở Quảng Ngãi người dân vẫn “chưa dám” ăn lại thịt lợn. Ông Trần Lấn (67 tuổi, ở thôn Xuân An, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết cả thôn giờ vẫn phải ăn cá, thịt bò, dù rất “thèm” thịt lợn! Đám giỗ nhà ông mới đây làm hơn chục mâm mời cả làng, nhưng không hề có miếng thịt lợn nào. Vì có nấu lên cũng không ai chịu ăn. Việc mổ heo cúng giỗ như trước đây cũng khó khăn hơn trước, do phải kiểm dịch...

Ông Ngô Hữu Hạ - Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh số ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi có xu hướng giảm so với trước. Tuy nhiên, do bệnh không có vắc xin để tiêm phòng bao vây khống chế nên nguy cơ phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao và kéo dài”. Tại thời điểm hiện tại Chi cục cũng khuyến cáo bà con chưa thể tái đàn.

Còn ở Bình Định, tỉnh tăng cường kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 88 điểm giết mổ. Tâm lý của người tiêu dùng và sức tiêu thụ thịt heo vẫn đang rất tốt. Việc kiểm soát các nguồn thịt đi vào thị trường đang được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc kiểm soát thịt lợn ở các chợ nhỏ lẻ trên địa tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, do địa bàn rộng. Hiện nay, giá thịt heo dao động từ 38- 40 ngàn đồng/kg, biến động theo thị trường”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.

Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung, là địa phương ngăn chặn dịch hiệu quả nhất của tỉnh Bình Định trong suốt nhiều tháng qua. “Hiện tổng đàn heo trên địa bàn có khoảng 300.000 con. Thời gian gần đây, số lượng heo tiêu thụ mạnh, mỗi ngày huyện Hoài Ân xuất đi khoảng 1.300 con heo thịt”, ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quy Nhơn: Nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân đang tăng cao. Những ngày cuối tuần tăng gấp 1/5 lần so với những ngày thường. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm. Qua đó, bà Đào cho biết, nguồn thịt heo tại siêu thị luôn được đảm bảo đủ để phục vụ cho người tiêu dùng. Về chất lượng, nguồn thịt mà siêu thị lấy vào được quản lý chặt chẽ. Siêu thị cũng thường xuyên cử cán bộ xuống tại các điểm giết mổ để kiểm tra và hằng tháng siêu thị cũng có mời cán bộ Y tế tới lấy mẫu để kiểm tra.

Thịt lợn xả kho của Trung Quốc có từ bao giờ? Mùi vị ít ai có thể tưởng tượng được!

Khi nguồn cung cấp loại thịt yêu thích của Trung Quốc cạn kiệt, Bắc Kinh kêu gọi giải pháp đến từ kho dự trữ thịt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀI VĂN - Nguyễn Ngọc - Trương Định ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN