Dệt may Việt Nam lo thiếu đầu ra khi đối tác Mỹ và EU hoãn, hủy hợp đồng

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất “hoang mang” khi một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu.

Ngành dệt may Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất do các nhà cung cấp Trung Quốc dừng hoạt động bởi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sau khi thị trường nguyên liệu hồi phục trở lại thì các doanh nghiệp trong ngành lại nhận thông tin một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang rất “hoang mang”, vì vừa hết lo thiếu nguyên liệu sản xuất, thì lập tức rơi vào tình thế thiếu đầu ra - Ảnh Vinatex

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang rất “hoang mang”, vì vừa hết lo thiếu nguyên liệu sản xuất, thì lập tức rơi vào tình thế thiếu đầu ra - Ảnh Vinatex

Theo đó, chỉ trong ba ngày từ 16-18/3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.

Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất, tương ứng 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết: “Lúc đầu chúng ta tưởng đầu vào (nguyên liệu) là khó, thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng”.

Trong số các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam, những doanh nghiệp có đơn hàng đi Mỹ phải chịu ảnh hưởng sớm nhất. Ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ - chia sẻ: “Từ ngày 16/3-18/3, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo về việc ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận”.

Ông Đức cũng cho biết tổng số đơn hàng bị hủy và yêu cầu lùi thời gian sản xuất của doanh nghiệp là rất lớn: “Tổng số hàng bị hủy: 350,000 sản phẩm; Tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất: 100,000 sản phẩm; Tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy: 150.000 sản phẩm. Họ cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 đến 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng".

Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thừa nhận chỉ trong vòng 3 ngày diễn tiến nhanh của dịch bệnh và trước quyết định đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người của EU, Mỹ, đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn tại nơi đây đóng cửa trong thời gian này. Đây quả là một khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động.

Hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy hẳn đơn hàng khiến các nhà quản lý doanh nghiệp dệt may hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục. Ông Thân Đức Việt – TGĐ Tổng Công ty May 10 cho biết: “Việc Mỹ và EU quyết định tạm thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào 2 thị trường này”.

Ông Việt thừa nhận nếu việc ngừng nhập khẩu xảy ra ở tất cả các nước thì tổn thất của doanh nghiệp sẽ rất lớn: “Doanh nghiệp thực sự không mong muốn nhận thêm thông tin về ngừng nhập khẩu, nếu việc ngừng này xảy ra ở tất cả các nước thì tổn thất sẽ rất lớn. Doanh nghiệp cũng mong Nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, thì có lẽ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều NLĐ như May mặc, da giầy”.

Trước những khó khăn các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt, Tổng Giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường cho biết trong tháng 3, tháng 4, các doanh nghiệp trong Tập đoàn có nhiệm vụ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch.

Với những doanh nghiệp chủ yếu làm hàng xuất khẩu, thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nếu quy trình xử lý dịch kéo dài, thì không chỉ ngành dệt may, mà các ngành khác đều gặp khó khăn trong năm 2020 này. Các doanh nghiệp cần tập trung tìm giải pháp tích cực để hạn chế tối đa việc phải giảm bớt lực lượng lao động.

“Trước mắt, doanh nghiệp không tăng giờ làm, cho NLĐ nghỉ hai ngày/tuần, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì phải giảm số ngày làm việc của NLĐ, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định, trên tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy của thị trường”, ông Trường nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

”Lá chắn thần thánh” vừa rẻ vừa độc lạ hot MXH thời bùng phát dịch Covid-19

Một công ty Trung Quốc có một ý tưởng mới lạ và vô cùng tiết kiệm để ngăn chặn COVID-19 lây lan, đó là ăn bữa trưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN