Cần có chuẩn chung cho hàng hóa ASEAN: Loay hoay bài toán cạnh tranh

Sự kiện: Kinh Doanh

Những năm gần đây, các hoạt động xúc tiến đưa hàng vào thị trường ASEAN bắt đầu được chú trọng.

Nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo về chủ đề xuất khẩu/ tiếp cận thị trường khu vực được tổ chức tại TP HCM và Hà Nội; số doanh nghiệp (DN), chủng loại hàng hóa cùng giá trị xuất khẩu sang ASEAN tăng dần qua từng năm.

Mở nhưng không "dễ ăn"

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỉ USD, tăng 13,9% so với năm 2017. Còn theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), hàng Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Myanmar và đang phát triển tại các thị trường Lào, Campuchia, Malaysia… Cơ quan xúc tiến thương mại đang hỗ trợ DN đạt chứng nhận Halal của cộng đồng Hồi giáo để thâm nhập các thị trường đạo Hồi trong khu vực.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận trong bối cảnh quốc tế mới và tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một bộ phận DN Việt Nam đã trưởng thành nhanh và nắm bắt được cơ hội để phát triển. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều DN gặp khó khăn do sức cạnh tranh yếu nên rất cần được hỗ trợ để tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều.

Một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều.

Nêu thực tế DN từng kết nối với một số nhà mua hàng trong khu vực, chào bán sản phẩm sữa, ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanco Food, cho biết dù công ty đã chấp nhận chào bán giá vốn nhưng vẫn không thể ký hợp đồng. "Nhà mua hàng kỳ vọng mức giá thấp hơn và đã có DN khác lớn hơn của Việt Nam đáp ứng được mức giá đó nên chúng tôi mất cơ hội" - ông Châu giải thích và cho rằng DN Việt muốn xuất khẩu tốt trước hết phải mạnh tại thị trường nội địa bởi nhà nhập khẩu trước khi quyết định mua hàng đều khảo sát, đánh giá quy mô của DN tại thị trường nội địa.

Cũng theo ông Châu, một khó khăn khác là các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài chưa sẵn sàng hỗ trợ DN tìm hiểu thông tin thị trường, xúc tiến bán hàng, thậm chí không trả lời email DN gửi đến.

Tập trung vào người tiêu dùng

Công ty Cơ khí Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ là một trong số ít DN lĩnh vực máy móc cơ khí nông nghiệp có tên tuổi tại thị trường trong nước lẫn khu vực. Ông Nguyễn Thể Hà, đại diện DN, cho biết sản phẩm của công ty đã có mặt tại hầu hết các thị trường ASEAN, từ Indonesia, Philippines đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Myanmar. "Nhìn chung, tiềm năng các thị trường tương đối tốt nhưng không ổn định, phụ thuộc chính sách đầu tư vào nông nghiệp trong từng thời điểm của từng quốc gia mà đơn hàng máy nông nghiệp nhiều hay ít" - ông Nguyễn Thể Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, mặc dù không gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và tự tin về công nghệ, giá bán sản phẩm nhưng công ty ông còn hạn chế trong khâu marketing, bán hàng tại thị trường các nước. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính giới hạn cũng cản trở sự phát triển của DN. "Lợi nhuận của chúng tôi chỉ khoảng 6%-7%/năm, nếu vay vốn ngân hàng thì phần lợi nhuận đó chỉ đủ để trả lãi chứ không có dư để vận hành DN hoặc tái đầu tư. Vì vậy, công ty chọn cách "mượn" vốn của khách hàng để hoạt động, tức chỉ sản xuất khi có đơn hàng (kể cả trong nước lẫn xuất khẩu) và nhận ứng tiền trước mới sản xuất. "Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp tốt hơn cho cả DN và nông dân, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Theo tôi biết, nông dân một số nước trong khu vực được chính phủ trợ giá khi mua máy móc nông nghiệp. Còn nông dân và DN đầu tư nông nghiệp của chúng ta chưa được hưởng ưu đãi đó nên phải tự bơi để tồn tại" - ông Nguyễn Thể Hà bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, điểm cốt lõi trong hoạt động xuất khẩu là có thể đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu và thị trường nhập khẩu đưa ra. Để khai thác được thị trường chung hơn 600 triệu dân, Vinamit đã thiết lập nhà phân phối tại các quốc gia ASEAN nhằm kịp thời nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từng nước. "Chúng tôi chọn nhà phân phối có khả năng "đi đường dài" với mình và xây dựng chuỗi cung ứng để phát huy giá trị của các bên. Bên cạnh đó, tập trung đáp ứng tính cá nhân hóa của người tiêu dùng từng thị trường bởi đời sống càng tăng cao thì tính cá nhân cũng cao tương ứng" - ông Viên nói.

Cũng theo ông Viên, trong bối cảnh hiện tại, chính phủ các nước có thể tập hợp các DN trong cộng đồng ASEAN vào chuỗi lớn gồm sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng và marketing, bán hàng lẫn dự báo xu hướng thị trường. Chẳng hạn Việt Nam giỏi về sản xuất sẽ đảm nhận khâu sản xuất, Singapore là đầu mối giao thương đảm nhận bán hàng, những quốc gia khác phụ trách các khâu khác trong chuỗi. Vấn đề là các DN có nhu cầu kết nối và chủ động ngồi lại với nhau, dưới sự giới thiệu ban đầu của các chính phủ để trên nền tảng đó cùng nói tiếng nói chung, chơi cuộc chơi chung.

Trong khi đó, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, cho biết Việt Nam đang có lợi thế hơn một số nước trong khu vực về xuất khẩu nông sản có truy xuất nguồn gốc. Mặc dù vậy, lợi thế sẽ rõ ràng hơn nếu DN đầu tư phát triển các sản phẩm có tính khác biệt, đặc thù để bù cho khoảng cách về công nghệ chế biến, chuỗi cung ứng còn hạn chế so với một số nước. 

Vấn đề nằm ở khâu thực thi

Ông Phạm Ngọc Châu đặt vấn đề nếu cả khu vực ASEAN có một chuẩn chung về chất lượng hàng hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho những DN làm ăn chân chính. Tuy nhiên, cái DN cần không chỉ là những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm hàng hóa mà là tính thực thi của nó để bảo đảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa các DN. Việt Nam cũng có rất nhiều quy định, áp dụng nhiều tiêu chuẩn/chứng nhận như ISO, HACCPP, VietGAP, GlobalGAP... nhưng quản lý lỏng lẻo nên phần nào mang tính hình thức. "Nếu quy về một chuẩn chung của khu vực mà Việt Nam vẫn không thoát khỏi tư duy hiện tại, DN bằng cách này hay cách khác chạy đua lấy chứng nhận nhưng không thật sự đầu tư thực hiện nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu hàng Việt Nam. Vì vậy, vai trò quản lý của nhà nước ở đây đặc biệt quan trọng" - ông Châu lo ngại.

Cảnh báo 13 mặt hàng VN nguy cơ bị hàng Trung Quốc ”núp bóng'”

Bộ Công Thương công bố Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Nhân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN