Lãi tiết kiệm giảm mạnh, người dân vẫn mang nghìn tỷ gửi ngân hàng mỗi ngày

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh thời gian gần đây, tuy nhiên đây vẫn là kênh đầu tư được nhiều người có tiền nhàn rỗi quan tâm khi đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được người dân mang gửi tiết kiệm trong nửa đầu năm 2023.

Sau khi lãi tiết kiệm lập đỉnh với mức gần 12%/năm giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, lãi suất tiết kiệm đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 8/2023, chỉ còn 3 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm niêm yết mức từ 7%/năm trở lên bao gồm Dong A Bank, Nam A Bank và PvcomBank.

Trong khi đó, ở các ngân hàng thương mại tư nhân nhỏ khác, mức lãi suất huy động cao nhất nằm trong khoảng 6,5 – 6,9%. Nhóm ngân hàng tư nhân lớn có lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 5,8 – 6,8%/năm như ngân hàng SHB (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,4%), Techombank (6,1%), ACB (5,8%). Nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, trong khi đầu năm nay mức lãi tiết kiệm được niêm yết 7,5-8,2%/năm.

So với mức lãi tiết kiệm gần 12%/năm những ngày đầu năm, đến nay lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm từ 4-4,5%/năm ở nhiều kỳ hạn. Dù lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, tuy nhiên đây vẫn là kênh đầu tư nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Vợ chồng anh Duy (Nam Định) có khoản tiết kiệm 400 triệu đồng để mua nhà, song họ chưa dám quyết bởi khoản trả lãi và gốc vay hàng tháng chiếm gần 50% tổng thu nhập. Tính toán tới lui, vợ chồng anh chị quyết định gửi tiền ở ngân hàng, tiếp tục thuê trọ, bỏ lửng giấc mơ an cư. Nhiều năm nay, gia đình chị Ân (Ninh Bình) cũng mang khoản tiền "phòng thân" gần 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn khác nhau để lấy lãi.

Cũng không biết đầu tư vào đâu bởi không mấy am hiểu thị trường chứng khoán và vàng nên anh Giáp (Nam Định) cũng quyết định gia hạn cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng của mình thêm 6 tháng với mức lãi suất tiết kiệm 6,4%/năm.

Người dân và doanh nghiệp vẫn tích cực mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi

Người dân và doanh nghiệp vẫn tích cực mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi

Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2023, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động giảm và thị trường chứng khoán sôi động.

Cụ thể, số dư tiền gửi của dân cư cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ, tăng hơn 35 nghìn tỷ so với cuối tháng 5. Tương đương, mỗi ngày người dân cả nước vẫn mang cả nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm lấy lãi trong tháng 6 vừa qua.

Thống kê cũng cho thấy tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng này có dấu hiệu chậm lại kể từ tháng 4 khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn. Trước đó, giai đoạn tháng 12/2022- tháng 3/2023 liên tục ghi nhận mỗi tháng có hơn 100 nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân chảy vào các ngân hàng. Thống kê cũng cho thấy, so với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 8,82%.

Trong tháng 6/2023, lượng tiền nhàn rỗi từ các doanh nghiệp gửi vào ngân hàng cũng tăng mạnh. Cụ thể, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng tới hơn 235.000 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng 0,51% so với cuối năm 2022. Đây cũng là tháng tăng mạnh nhất trong 18 tháng gần đây.  

Tại ngày 30/6/2023, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270 nghìn tỷ so với tháng 5,  mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. Đồng thời, so với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.

Trước việc cả người dân và doanh nghiệp liên tục mang cả nghìn tỷ đồng mỗi ngày gửi tiết kiệm, trung tuần tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất thêm tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh thì mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Cổ phiếu Vinfast giảm phiên thứ 2 liên tiếp, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rời Top 3 TG

Cổ phiếu Vinfast đã có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khiến giá trị vốn hóa hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rời vị trí thứ 3 thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN