Ximăng Hạ Long thua lỗ, phải vay 52,21 triệu EUR trả nợ nước ngoài
Dự án ximăng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ nên không trả được nợ từ 2012 – 2015 và đã phải vay tạm ứng luỹ tích lũy trả nợ số tiền 52,21 triệu EUR để trả nợ gốc vay nước ngoài.
Dự án ximăng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ nên không trả được nợ từ 2012 - 2015. (Ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo về tình hình nợ Chính phủ bảo lãnh của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2018, Chính phủ đã tài trợ các khoản vay với giá trị khoảng 27,77 tỷ USD, trong đó, bảo lãnh nước ngoài chiếm tới 85%. Tổng dư nợ gốc ước hơn 11,9 tỷ USD, trong đó dư nợ gốc nước ngoài chiếm tới 95%.
Trong năm 2018, các dự án bảo lãnh vay trong và ngoài nước đều trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Có 8 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 3 khoản vay đã thực hiện trả nợ trước hạn với trị giá 90 triệu USD gồm 1 khoản vay của PVN, 2 khoản vay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2018, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra chi trả cho một số khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Riêng với dự án Nhà máy giấy Phương Nam, quỹ tích lũy trả nợ phải chi 97 triệu USD để trả nợ gốc và lãi vay nước ngoài. Nhưng đến nay, Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy giấy Phương Nam để thu hồi vốn trả quỹ tích lũy trả nợ.
Ngoài ra, trong năm 2018, dự án nhà máy giấy Phương Nam đã kết thúc việc trả nợ cho ngân hàng Societe Generale và Tổng công ty Giấy đang nhận nợ với Quỹ tích lũy trả nợ đối với các khoản mà Quỹ đã ứng trả cho ngân hàng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự án Nhà máy giấy Phương Nam hoàn toàn mất khả năng trả nợ và đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Dự án khó khăn về tài chính nên không thể trả nợ các kỳ từ năm 2008 đến nay và quỹ tích lũy trả nợ buộc phải ứng tiền trả nợ thay.
Dự án Ximăng Hạ Long đã phát sinh nợ quá hạn với Quỹ tích luỹ trả nợ. (Ảnh minh hoạ)
Thêm vào đó, một loạt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất ximăng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay trong những năm qua cũng đang gặp khó khăn, có nợ quá hạn cao, phải tái cơ cấu nợ vay như dự án ximăng Thái Nguyên, ximăng Hạ Long, ximăng Đồng Bành.
Đến cuối 2018, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực xi măng là hơn 94 triệu USD, giảm gần một nửa so với cuối năm 2017 do các dự án đang trong giai đoạn trả gốc. Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn đánh giá: Lĩnh vực xi măng vẫn là lĩnh vực có rủi ro bán hàng do ảnh hưởng của thị trường xây dựng và vẫn cần được các bộ quản lý theo dõi sát sao.
Trong đó, dự án ximăng Thái Nguyên khó khăn tài chính, mất khả năng trả nợ từ năm 2011, đến nay Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam phải vay tạm ứng từ quỹ tích lũy trả nợ 30,79 triệu EUR để trả nợ nước ngoài.
Dự án ximăng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ nên không trả được nợ từ 2012 – 2015 và đã phải vay tạm ứng luỹ tích lũy trả nợ số tiền 52,21 triệu EUR để trả nợ gốc vay nước ngoài. Còn dự án ximăng Đồng Bành dù đã đi vào sản xuất ổn định thời gian gần đây vẫn phải vay 16,55 triệu USD để có tiền trả nợ.
Đối với dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư đang gặp vấn đề về trả nợ. Lý do là chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Bộ Tài chính có nhiều văn bản đề nghị hai Bộ trao đổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với số tiền hơn 44 triệu USD.
“Đây là vấn đề nổi cộm và cần phải xử lý dứt điểm để tránh vi phạm nghĩa vụ của bên vay và bên bảo lãnh là Chính phủ Việt Nam”, Bộ Tài chính lưu ý.
Ngôi nhà có thể di chuyển đến bất cứ đâu mà chủ nhân muốn để phù hợp tính chất công việc.