Vì sao dự án khu dân cư Hoà Lân ở Bình Dương phải đấu giá 11 lần và "bốc hơi" gần 500 tỷ?

Dự án Khu dân cư Hoà Lân tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương của Công ty Thiên Phú được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận có nhiều sai phạm giữa công ty tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và đơn vị trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh.

Thương vụ đấu giá nghìn tỷ

Vừa qua, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận Thanh tra số 62/KL-TTR về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản là Dự án Khu dân cư Hoà Lân (phường Thuận Giao, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) đối với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn.

Kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký ngày 24.12.2018 cho thấy, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương có vay 305 tỷ đồng và 18,634 lượng vàng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền đã quy đổi từ vàng là 1.117.689.720.000 đồng (hơn 1,1 nghìn tỷ đồng).

Để đảm bảo cho các khoản vay, Công ty Thiên Phú thế chấp Dự án khu dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích 490.765 m2. Do Công ty Thiên Phú gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17.4.2015, công ty này đã ký biên bản thoả thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Ngày 17.6.2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn - Số 150 đường số 9, khu phố 1, phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM) bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà phải trải qua tận 12 phiên đấu giá kéo dài từ ngày 9.7.2015 đến ngày 25.5.2017 thì thương vụ đấu giá mới thành công nhưng ẩn chứa nhiều dấu hiệu khuất tất.

Vì sao dự án khu dân cư Hoà Lân ở Bình Dương phải đấu giá 11 lần và "bốc hơi" gần 500 tỷ? - 1

Thương vụ đấu giá khu dân cư Hoà Lân có nhiều dấu hiệu khuất tất. 

Cụ thể, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 3, ngày 16.10.2015 có Công ty Hoà Bình Xanh (toạ lạc tại phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) tham gia đấu giá. Nhưng ngày 10.11.2015, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho Agribank Chợ Lớn biết không có khách hàng nào tham gia (!?).

Tương tự, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 6, ngày 10.5.2016 Công ty Hoà An Lộc (70 Nguyễn Văn Thành, KP.5, P.Định Hoà, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 23.5.2016 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho Agribank Chợ Lớn rằng không có khách hàng tham gia.

Tiếp đó ngày 31.5.2016, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 7, có 2 công ty đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Hoà An Lộc và Công ty Hoà Bình Xanh, nhưng ngày 22.6.2016 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho phía Agribank Chợ Lớn biết không có khách hàng tham gia đấu giá.

Cũng như những lần trước, tại phiên thông báo đấu giá lần 9, ngày 22.9.2016, Công ty Trung Quý Huế (tại tỉnh Thừa Thiên Huế) mua hồ sơ, nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 8.11.2016 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tiếp tục thông báo không có khách hàng tham gia.

Qua 11 phiên thông báo bán đấu giá, sau mỗi phiên không có khách hàng tham gia, giá trị tài sản của Dự án KDC Hoà Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5; 10% lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9 khiến tài sản định giá để bán  từ 1,467,7 tỷ đồng chỉ còn 1,070 tỷ đồng và tới phiên thông báo lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 3.1.2016, Agribank Chợ Lớn có thông báo cho Công ty đấu giá Nam Sài Gòn biết: “Công ty Thiên Phú đã tìm được khách hàng muốn mua tài sản với giá 963 tỷ đồng. Để tránh thiệt hại, ngân hàng đề nghị điều chỉnh lại mức đấu giá lần thứ 11 ngày 29.12.2016 lên 963 tỷ đồng. Tại lần này có Công ty Thuận Lợi (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đăng ký tham gia đấu giá nhưng Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn thống nhất kéo dài thêm thời gian đấu giá tới 28.2.2017”.

Mãi đến ngày 1.3.2017 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn mới thông báo có 2 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá Dự án KDC Hoà Lân là Công ty Thuận Lợi và Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House). Tuy nhiên do lần này cả hai công ty chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán và tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng.

Tại phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28.4.2017, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm: Thủ Đức House, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (gọi tắt là Công ty Kim Oanh, trước đây có tên là Công ty TNHH xây dựng A Đông Hải) và Công ty CP đầu tư Thái Bình.

Trong 3 công ty này thì duy nhất có Thủ Đức House đáp ứng rõ nhất yêu cầu của Agribank Chợ Lớn là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho Agribank Chợ Lớn.

Ngày 25.5.2017, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức đấu giá Dự án KDC Hoà Lân và rất ngạc nhiên là sau 14 vòng trả giá, Công ty A Đông Hải (Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá với 1.353 tỷ đồng.

Theo quy định của Agribank Chợ Lớn, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá Công ty Kim Oanh lại chơi chiêu “câu giờ”. Mãi đến tháng 11.2018 Công ty Kim Oanh mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5.9.2017.

Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạmTừ những khuất tất trong việc đấu giá và sự bất bình thường về động cơ tham gia đấu giá của Công ty Kim Oanh, thương vụ đấu giá nghìn tỷ có nhiều khuất tất này bị tố cáo đến Bộ Tư pháp.

Ngày 24.12.2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận số 62/KL-TTR chỉ rõ những dấu hiệu sai phạm của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn cũng như Công ty Kim Oanh.

Cụ thể, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã có một số tồn tại, vi phạm như không kiểm tra chặt chẽ thông tin do ngân hàng cung cấp là không thực hiện đúng khoản 3 Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Quy chế bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản.

Riêng đối với đơn vị trúng đấu giá, Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ từ khi bán đấu giá tài sản đến nay, Công ty Kim Oanh đã 4 lần vi phạm cam kết về thời hạn thanh toán và nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với Quy chế đấu giá

Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị Agribank Chợ Lớn khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi Nhà nước. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán thì có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Dũng ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN