Sập bẫy chiêu lừa từ nhân viên ngân hàng giả mạo khi vay vốn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Có nhu cầu vay vốn tiêu dùng gấp, người vay tìm đến ngân hàng nhưng bị kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng lừa mua phí hồ sơ, phí bảo hiểm khoản vay…

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị Ngọc, nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM, cho biết cuối tháng 6-2023, chị được một người quen giới thiệu cho số điện thoại của nhân viên tự xưng là cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Chị Ngọc đã liên hệ nhân viên tự xưng này để làm thủ tục hồ sơ vay tín chấp. Người này xưng danh là Phùng Khánh Linh, nhân viên tư vấn tín dụng của VP Bank CN 601 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

"Người này tư vấn rất nhiệt tình, nói lãi suất 0,8%/ tháng và gửi hạn mức có 2 gói vay, hình thức giống như diễn biến thật tại một chi nhánh ngân hàng. Tôi từng làm hồ sơ vay ở ngân hàng này nên rất tin tưởng.

Tôi nói cần vay 200 triệu đồng, người này báo làm hồ sơ nhanh phí 10 triệu đồng trong vòng 90 phút sẽ được giải ngân. Tôi có hỏi thêm ngoài khoản phí này còn phí gì nữa không? Người này khẳng định không và yêu cầu tôi chuyển phí để làm hồ sơ cho kịp" - chị Ngọc kể.

Gói vay giả mạo VPBank được kẻ gian gửi để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn. Ảnh: Lam Giang

Gói vay giả mạo VPBank được kẻ gian gửi để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn. Ảnh: Lam Giang

Tiếp đó, chị Ngọc hỏi chuyển phí làm hồ sơ nhanh cho ai thì người tên Khánh Linh cho số tài khoản của người xưng là kế toán ngân hàng tên Lê Thuỳ Trang. Không thấy khoản vay được giải ngân, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu chị Ngọc phải mua thêm bảo hiểm khoản vay 27 triệu đồng.

"Tôi có nhu cầu vay tiền và thấy việc mua bảo hiểm khoản vay ở một số ngân hàng là bắt buộc, tôi cũng hỏi nhiều lần với người tên Linh là cam kết không còn khoản phí nào thì được trả lời đây là bước cuối cùng để giải ngân" - chị Ngọc nhớ lại. 

Sau khi chuyển tiếp 27 triệu đồng, thay vì nhận được giải ngân, chị lại nhận thêm một thông báo từ nhóm lừa đảo là phải nộp tiếp một khoản phí để nhận mã số hợp đồng và số tài khoản để hằng tháng khách hàng thanh toán khoản vay này… 

Đến lúc này, chị Ngọc mới nghi ngờ bị lừa và gọi điện thoại lại thì đã bị chặn. Chưa hết, ngày hôm sau, khi phản ánh vụ việc đến tổng đài của VPBank và nhận được cuộc hẹn chờ kiểm tra, chị tiếp tục nhận được cuộc gọi lạ từ người tên Nam cũng xưng nhân viên ngân hàng hối thúc chị đóng phí kích hoạt khoản vay 30 triệu và thuế GTGT để được giải ngân. 

Tổng cộng, chị Ngọc đã bị lừa gần 40 triệu đồng trong khi đang có nhu cầu vay tiêu dùng gấp.

Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác và khẳng định có quy trình rõ ràng, chặt chẽ khi xét duyệt, giải ngân khoản vay và cam kết không bao giờ yêu cầu khách hàng nạp tiền, chuyển khoản, đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

Trả lời Báo Người Lao Động, VPBank cho biết không có thông tin về tên cán bộ nhân viên mà khách hàng phản ánh tại chi nhánh. Đồng thời, cán bộ, nhân viên VPBank chỉ được sử dụng mail có đuôi là @vpbank.com.vn để làm việc, hoàn toàn không được dùng mail cá nhân.

Bộ phận kế toán của ngân hàng ngồi tập trung tại một khối, hoàn toàn không liên quan nghiệp vụ với nhân viên tín dụng. VPBank cũng không hề có gói tư vấn tín chấp như khách hàng bị kẻ gian lừa đảo phản ánh.  

Về thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng, VPBank cho biết đã từng cảnh báo tới khách hàng. Cụ thể, kẻ gian tự xưng là cán bộ ngân hàng, hứa hỗ trợ khoản vay tín chấp nhưng phải đóng phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân kèm theo nhiều thủ đoạn khác nhằm "moi" thêm tiền. Đây là chiêu thức lừa đảo đang nổi lên hiện nay.

Ngoài thủ đoạn như khách hàng phản ánh ở trên, sau khi đã chuyển khoản phí bảo hiểm, đối tượng có thể dọa là hồ sơ vay của khách hàng đang "có vấn đề", hệ thống ghi nhận nợ xấu cần đóng tiền để xóa nợ xấu... và yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền để xử lý.

"Nếu không nộp tiền sẽ không nhận được tiền vay nhưng vẫn bị tính là đã phát sinh dư nợ với ngân hàng, đồng nghĩa với việc vẫn phải thanh toán cả gốc và lãi của khoản vay. Rất nhiều khách hàng đã "sập bẫy" vì chưa hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng" – VPBank nêu thủ đoạn lừa đảo.

Nguồn: [Link nguồn]

Giả mạo văn bản của Ủy ban chứng khoán để lừa đảo

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định không cấp Giấy phép cho Công ty TNHH Quỹ Đầu tư SAC Capital VN, cũng không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho Quỹ đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN