Nóng tuần qua: SJC có động thái mới liên quan đến việc từ chối mua vàng ‘một chữ’

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đại diện Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho biết, bắt đầu từ ngày 5/8 đơn vị này sẽ thu mua trở lại vàng miếng SJC “một chữ” cũng như vàng bị móp méo.

Động thái mới của SJC liên quan việc từ chối mua vàng ‘một chữ’

Khoảng 2 tuần qua, Công ty SJC ngừng thu mua các sản phẩm trên. Thông thường, với các loại vàng miếng SJC “một chữ” hay vàng bị móp méo khi Công ty SJC mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng, sẽ xin Ngân hàng Nhà nước gia công lại. Tuy nhiên lượng tồn kho đã lên khá cao nhưng chưa biết khi nào mới được phép gia công, nên Công ty SJC này đã dừng thu mua.

Công ty SJC sẽ thu mua vàng miếng SJC "một chữ", vàng móp méo trở lại từ ngày 5/8.

Công ty SJC sẽ thu mua vàng miếng SJC "một chữ", vàng móp méo trở lại từ ngày 5/8.

Điều này làm cho những người dân mua vàng tích trữ rất lo lắng, bất an. Công ty SJC từ chối mua vàng miếng “một chữ” cũng làm cho các tiệm vàng không dám thu mua, thậm chí nếu khách muốn bán sẽ phải chịu mất giá vài triệu đồng/lượng so với giá niêm yết của Ngân hàng Nhà nước.

Vàng miếng SJC “một chữ” là sản phẩm có một ký tự chữ trước dãy số sê-ri, do Công ty SJC đã sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Hiện loại vàng này được xem là vàng cũ. Những miếng vàng SJC sau này có hai chữ cái trước dãy số sê-ri. Việc đóng một chữ cái hay hai chữ cái trước dãy số sê-ri chỉ là để xác định thứ tự từng đợt sản xuất gia công, hết đợt này sẽ chuyển sang đợt khác.

Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Ngày 2/8, sau một thời gian xem xét, Bộ Thương mại Mỹ cho biết vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực.

Phản hồi về kết luận này, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết "lấy làm tiếc". "Nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ, thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường", cơ quan này nhìn nhận.

Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba.

Thực tế, một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường, khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp.

Mỗi tháng TPHCM phải 'tiêu' 10.000 tỷ đồng

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm trên địa bàn, chiều 1/8, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm nay UBND TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với số vốn 79.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TPHCM, đến ngày 26/7 thành phố chỉ giải ngân hơn 11.800 tỷ đồng, đạt 15% số vốn được giao.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, trong thời gian 6 tháng còn lại mỗi tháng thành phố phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dù điểm rơi của các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án mới là vào quý IV nhưng nếu không theo dõi sát sao sẽ khó đạt tỷ lệ giải ngân 95% như kế hoạch ban đầu.

Đại diện các sở, ngành thành phố trao đổi tại phiên họp.

Đại diện các sở, ngành thành phố trao đổi tại phiên họp.

“Tôi đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân và có cam kết số lượng giải ngân hằng tháng”, ông Mãi lưu ý và đề nghị trong tuần này hoặc tuần sau gỡ ngay mua sắm công, đề nghị giữ mục tiêu tiến độ trong quý III về cơ bản thực hiện xong kế hoạch mua sắm công của năm.

Hoàn thuế 23 tỷ đồng cứu một doanh nghiệp nợ lương 900 công nhân

Chiều 1/8, ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết Ban đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (Khu công nghiệp Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nợ lương của người lao động dẫn đến ngừng việc tập thể trong những ngày qua.

Ông Phong cho biết, hiện Ban Quản lý khu công nghiệp phối hợp tích cực với Cục Thuế Bình Dương triển khai các thủ tục cần thiết của doanh nghiệp Ánh Kim - một cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh để sử dụng nguồn tiền hoàn thuế chi trả lương cho người lao động.

Về thủ tục hoàn thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Công cho biết hiện các đơn vị nghiệp vụ của Cục đang khẩn trương xử lý và cố gắng sớm nhất vào ngày hôm nay (2/8) sẽ hoàn thành các thủ tục đảm bảo pháp lý để hoàn thuế cho doanh nghiệp Ánh Kim. Cụ thể, theo đề xuất hoàn thuế 28 tỷ đồng, sau khi thẩm định hồ sơ, Cục Thuế Bình Dương thống nhất hoàn thuế 23 tỷ đồng và dự kiến đầu tuần tới sẽ chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp Ánh Kim.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia này có thị phần thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á với số lượng khách hàng rất đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Tiêu điểm kinh tế tuần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN