Nóng trong tuần: Vì sao Vingroup đổ tiền khủng xây nhà máy công suất tăng gấp 25 lần

Sếp Vingroup tiết lộ, đơn vị này nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn từ châu Âu và Mỹ.

Vingroup khởi động dự án nhà máy khủng

Tập đoàn Vingroup vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart công suất 125 triệu máy/năm tại Thạch Thất, Hà Nội.

Theo giới thiệu, nhà máy được đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên diện tích 15,2 ha. Dự kiến, vào tháng 10/2019, nhà máy sẽ đạt công suất cao nhất 125 triệu máy/năm.

Nói về nguyên nhân mở thêm nhà máy mới với báo chí, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, đơn vị này nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn từ châu Âu và Mỹ. 

Nóng trong tuần: Vì sao Vingroup đổ tiền khủng xây nhà máy công suất tăng gấp 25 lần - 1

Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart công suất 125 triệu máy/năm tại Thạch Thất, Hà Nội.

"Đó là lý do chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn gấp 25 nhà máy hiện có tại Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế" vị này nói.

Cũng liên quan tới Vingroup, tuần qua, một sự kiện phải nhắc tới là VinFast đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô chỉ sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện. Phía công ty tiết lộ đã có 10.000 đơn đặt hàng.

Đề xuất "sốc" tăng phí 37 dự án BOT

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT giao thông.

Bộ này dẫn thông tư của Bộ Tài chính có nêu lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm một lần. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện tăng phí với 49 dự án BOT trên cả nước. Trong số trên, theo ngành giao thông có 37 dự án đã tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình (2 dự án tới hạn trong năm 2018, 35 dự án năm 2019). 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí, có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Cơ quan này cho rằng, nếu không có giải pháp, phương án tài chính sẽ bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản.

Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.

Xuất hiện vụ vòi tiền khủng của Thanh tra Bộ Xây dựng?

Tuần qua, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt đưa tin, đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng đang thực hiện thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thì bị lập biên bản (ngày 12/6) vì có hành vi đòi chung chi lên đến chục tỷ đồng.

Nóng trong tuần: Vì sao Vingroup đổ tiền khủng xây nhà máy công suất tăng gấp 25 lần - 2

Đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng đang thực hiện thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thì bị lập biên bản vì có hành vi đòi chung chi lên đến chục tỷ đồng.

Lên tiếng sau đó, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận việc Thanh tra Bộ Xây dựng đang có một đoàn thanh tra về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, theo kế hoạch được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phê duyệt.

Thông tin thêm sau đó, nguồn tin của một số tờ báo tiết lộ, đoàn thanh tra gồm 5 thành viên trong đó bà Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn. 

Công an tỉnh Vĩnh Phúc sau đó có thông báo việc đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra Phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng). Hai người này đang bị tạm giữ ở trại tạm giam do Công an tỉnh quản lý. Cơ quan điều tra cáo buộc, bà Kim Anh và ông Hải Anh đã nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Tranh cãi chuyện thu "phí chia tay" 3-5 USD

Tuần qua, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đã nêu đề xuất đáng chú ý là thu phí công dân từ 3-5 USD khi xuất cảnh, gọi là phí chia tay.

Số tiền trên theo ông chỉ "tương đương khoảng một bữa ăn sáng" nhưng khi cả cộng đồng chung tay sẽ tạo được một nguồn thu có ý nghĩa vô cùng lớn. Vị đại biểu đề xuất, khoản thu trên cũng có thể dùng vào việc xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới. 

Ngoài ra, đây cũng là khoản thu để cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, bảo trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông, một số nước hiện cũng áp dụng cách thu phí như trên.

Nóng trong tuần: Vì sao Vingroup đổ tiền khủng xây nhà máy công suất tăng gấp 25 lần - 3

Xuất hiện đề xuất đáng chú ý là thu phí công dân từ 3-5 USD khi xuất cảnh, gọi là phí chia tay.

Tuy nhiên, lên tiếng sau đó, có ý kiến cho rằng, đề xuất trên không khả thi, gây ra sự phản cảm, khó được mọi người chấp nhận. Có ý kiến thì nêu lên, vấn đề tế nhị nên cần phải lấy ý kiến công dân.

Samsung xây trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội

Tuần qua, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho cho biết phía Samsung đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội với quy mô khoảng 3.000 người.

Hiện, Samsung Việt Nam đang phải đi thuê trụ sở để làm trung tâm nghiên cứu và phát triển. Qua đó, ông Choi Joo Ho mong muốn Thủ tướng quan tâm, tạo điều kiện cho Samsung Việt Nam triển khai xây dựng trung tâm này.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, ông Choi Joo Ho cho biết, Samsung Việt Nam đã đạt doanh thu 28,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 24 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2019. Dự kiến cả năm 2019, doanh thu đơn vị này đạt 73,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 63,5 tỷ USD, tăng trưởng 5% so với năm ngoái.

Hoan nghênh kế hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tạo điều kiện tối đa cho Tập đoàn để triển khai dự án.

Đại gia tuần qua: Lợi nhuận Trung Nguyên như thế nào sau  mâu thuẫn vợ chồng Vũ - Thảo?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết chính những mâu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN