Nóng trong tuần: Ông trùm làm mưa làm gió làng giải trí Việt bị giáng đòn đau

Sự kiện: Kinh Doanh

Cổ phiếu Yeah1 đang gặp thảm họa lao dốc và bị thổi bay cả nghìn tỷ sau sự cố với Youtube.

1.500 kênh Youtube ở Việt Nam lo bị bỏ rơi 

Tuần qua, người dùng khá bất ngờ khi Yeah1 gửi đi thông báo về việc YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của Yeah1 có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe, từ sau ngày 31/3.

Nguyên nhân bởi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube. 

Việc YouTube ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với hệ thống này từ 31/3/2019 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.500 kênh YouTube.

Nóng trong tuần: Ông trùm làm mưa làm gió làng giải trí Việt bị giáng đòn đau - 1

Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống lao đao sau khi YouTube cho biết sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của Yeah1.

Ngay sau đó, cổ phiếu Yeah1 đã ngay lập tức gặp thảm họa lao dốc và bị thổi bay cả nghìn tỷ. Tập đoàn Yeah1 sau đó đã chính thức lên tiếng giải trình, lợi nhuận sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba chiếm khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn.

Tuy nhiên, theo nhận định, trường hợp xấu nhất, sự cố trên có thể khiến Yeah1 phải hạch toán lỗ 12 triệu USD cho khoản đầu tư vào ScaleLab - công ty vừa được mua hồi đầu năm.

Giá điện có thể tăng 8,36% ngay trong tháng 3

Tuần qua, trả lời báo chí, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết bộ này đã lên phương án tăng giá điện 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.

Theo lý giải, đáng lý giá điện đã phải tăng trong năm 2018 nhưng vì nhiều lý do đã dời lại sang năm nay.

Tại buổi họp báo cách đây ít lâu, Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN gần 290.000 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện gần 291.300 tỷ, tức là tập đoàn này đang lỗ hàng nghìn tỷ.

Ngoài ra, tổng chi này đang bị đội lên năm 2018 và 2019 do chênh lệch tỷ giá, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, giá khí,...

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giá điện Việt Nam sau điều chỉnh vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, thế giới, ví dụ, thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ 8,1%, thấp hơn Lào trên 18%, Indonesia khoảng 26,5%...

4 nhà máy Samsung Việt Nam kiếm hơn 65 tỷ đô một năm

Năm 2018, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 65,73 tỷ USD, tăng 3,6 tỷ USD so với năm 2017.

Nóng trong tuần: Ông trùm làm mưa làm gió làng giải trí Việt bị giáng đòn đau - 2

Năm 2018, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 65,73 tỷ USD.

Đóng góp nhiều nhất vào số trên là nhà máy Samsung tại Thái Nguyên (SEVT) với 25,2 tỷ USD. Hai nhà máy Samsung tại Bắc Ninh đóng góp 19 tỷ và 17,7 tỷ USD. Còn lại, Samsung tại TP HCM (SEHC) đạt doanh thu 3,8 tỷ USD.

Mức doanh thu của cả 4 nhà máy trên theo báo cáo đều tăng mạnh so với năm ngoái.

Tuy vậy, thống kê cho thấy, lợi nhuận ròng của 4 nhà máy chỉ đạt 4,6 tỷ USD, giảm 1,28 tỷ USD so với 1 năm trước đó.

Với phương diện toàn cầu, công bố của Samsung đã gây sốc khi lợi nhuận quý 4 của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đạt hơn 9,6 tỷ USD, thấp hơn 28,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường smartphone.

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư ‘trọn gói’ cao tốc Bắc - Nam

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công vừa làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa. 

Đáng chú ý, trong buổi gặp, tập đoàn này bày tỏ muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức PPP, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ông Hòa gợi ý với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hai hình thức EPC hoặc BTO. Trong số này, EPC tức là chỉ do một chủ thể thực hiện và chính quyền giám sát.

Nóng trong tuần: Ông trùm làm mưa làm gió làng giải trí Việt bị giáng đòn đau - 3

 Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Còn BTO tức là hợp đồng gắn trách nhiệm của chủ thể đầu tư trong xây dựng và duy tu; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công.

Về các đề xuất hình thức đầu tư của Tập đoàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm.

Hà Nội phê duyệt quy hoạch đường đua công thức 1 diện tích 88ha

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường đua công thức 1 – Grand Prix Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm

Ngoài khu vực đã xây dựng như sân vận động quốc gia, quảng trường trước sân vận động, khu chức năng xây dựng mới phục vụ đường đua F1, gồm các đường đua, trung tâm điều hành, khán đài, khu vực chung, khu vực hỗ trợ, cầu vượt qua đường đua, trung tâm phát sóng,..

Tuyến đường đua có chiều dài 5,574 km (bề rộng đường từ 12 m đến 15 m), chủ yếu chạy trên khu vực đường hiện trạng có chiều dài khoảng 4 km sẽ được cải tạo kết cấu lớp mặt đường để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đua. Đoạn đường đua còn lại khoảng 1,5 km sẽ được đầu tư xây dựng mới.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Phú Đô (quận Nam Từ Liêm).

Nóng trong tuần: Loạt hợp đồng tỷ USD của các đại gia Việt dịp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, hai hãng hàng không của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua tới 110 máy bay với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN