Nỗ lực đưa lãi suất thấp hơn nữa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng thương mại, cung ứng vốn đủ, kịp thời ra nền kinh tế

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 3-1, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay mới của các NH thương mại đã giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm 2022 và đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Lãi suất về đáy 20 năm

Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đạt khoảng 13,5%. Con số này tuy không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra đầu năm là 14% - 15% nhưng nếu tính trong vòng vài tuần qua, tốc độ tăng trưởng và giải ngân vốn tín dụng đều rất nhanh chóng. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế đang khởi sắc hơn.

Dù mặt bằng lãi suất đã thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID-19 nhưng NHNN vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm thêm chi phí, tiến hành đồng bộ các giải pháp để đưa lãi suất thấp hơn nữa (nếu điều kiện cho phép).

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH đang rất thấp, chỉ 0,2% - 0,5%/năm, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Lãi suất huy động bình quân của các NH hiện chỉ 3,9%/năm. Lãi suất cho vay bình quân với giao dịch mới phát sinh là 6,7%/năm, giảm trên 2 điểm % so với cuối năm 2022. "Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động do trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, 80% nguồn vốn của NH thương mại đến từ ngắn hạn và 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ là cho vay trung và dài hạn nên đương nhiên lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động" - ông Quang giải thích.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết nếu tính mức lãi suất cho vay cao nhất trong năm 2023 khoảng 12% thì hiện tại chỉ còn khoảng 6% - 7%, tức đã giảm một nửa. Thậm chí, vào gần cuối năm 2023, lãi suất cho vay mới còn giảm nhanh hơn lãi suất huy động. "Vốn tín dụng chảy ra thị trường nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, các NH giảm nhanh lãi suất và cả sự nỗ lực của DN. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện đã khởi sắc hơn nhiều" - ông Tùng nói.

Theo ghi nhận, một số NH vừa tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Từ ngày 1-1-2024, Agribank điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định từ 7%/năm. NH này cũng điều chỉnh giảm 0,5 điểm % sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm thêm chi phí, tiến hành đồng bộ các giải pháp để đưa lãi suất thấp hơn nữa. Ảnh: TẤN THẠNH

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm thêm chi phí, tiến hành đồng bộ các giải pháp để đưa lãi suất thấp hơn nữa. Ảnh: TẤN THẠNH

Siết chặt cho vay sân sau

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2024 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế. Thậm chí, nếu nhu cầu vốn cao có thể tăng lên 16%.

Đáng chú ý, NHNN đã thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (room), thay vì từng lần như các năm trước mà chuyển sang giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm và yêu cầu các NH kiểm soát chặt theo quy định. Điều này góp phần giúp các NH chủ động cung ứng nguồn vốn ra nền kinh tế. "Cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các NH là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn. Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng NH nào hết hạn mức, NHNN vẫn xem xét có thể gia tăng nếu điều kiện phù hợp" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng, theo lãnh đạo NHNN, thể hiện sự minh bạch, khách quan, không còn một cơ chế xin cho nào, dù thời gian qua cấp room tín dụng bản chất là đánh giá để tín dụng đi vào đúng đối tượng… Đặc biệt, NHNN yêu cầu vốn tín dụng năm nay phải tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ để chảy vào đúng đối tượng, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt tổ chức tín dụng cho vay sân sau, cho vay hệ sinh thái. 

Sẽ kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, cho biết liên quan đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24-4 đến 30-11-2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là hơn 171.00 tỉ đồng. Thông tư này sẽ hết hạn vào ngày 30-6 tới và NHNN sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách này nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Nguồn: [Link nguồn]

Dự báo mới về lãi suất huy động trong năm 2024

Lãi suất huy động năm 2023 đã trải qua những đợt giảm hiếm thấy trong lịch sử. Nhiều dự đoán lãi suất huy động năm 2024 sẽ tăng trở lại với mức khiêm tốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG NGỌC - THÁI PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN